Ninh Bình có những lễ hội nào, đặc sản Ninh Bình có những gì?
Đã từng là kinh đô của các vương triều phong kiến trong lịch sử , Ninh Bình là địa phương còn lưu giữ được nhiều lễ hội dân gian, đặc sắc. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn là nơi giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Ninh Bình cũng là nơi có những món ăn đặc sản độc đáo riêng của đất Cô Đô.
Những Lễ hội lớn ở Ninh Bình
Lễ Hội Chùa Bái Đính Ninh Bình
Lễ Hội Chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo. Đây là một trong những lễ hội dài nhất trong năm. Lễ hội Chùa Bái Đính Ninh Bình là dịp người dân địa phương, du khách cùng các tang ni, phật tử tham gia những nghi lễ cầu quốc thái dân an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài…
Lễ Hội Báo Bản Nộn Khê Ninh Bình
Lễ hội Báo bản Nộn Khê được tổ chức vào ngày 14 tháng giêng (âm lịch) hàng năm tại đình làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô. Nét độc đáo của lễ hội Báo bản là kính báo lên Thành Hoàng, các bậc tiên tổ về sự thành đạt, hiếu học của con em dân làng và những thành tích của làng đã đạt được trong năm cũ.
Lễ Hội Đền Địc Lộng Ninh Bình
Lễ hội đền Địch Lộng được tổ chức vào hai ngày: mùng 6 và mùng 7 tháng 3 (âm lịch) tại chùa Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn. Lễ hội cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Lễ Hội Đền Đức Thánh Nguyễn Ninh Bình
Lễ Hội đền Đức Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch , tại Đền thờ Đức Thánh Nguyễn cổ thuộc làng Điềm, phủ Tràng An xưa (nay thuộc hai xã Gia Thắng, Gia Tiến huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Đây là dịp nhân dân địa phương tri ân đức Thánh Nguyễn Minh Không.
Lễ Hội Cố Đô Hoa Lư Ninh Bình
Lề hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, hay còn gọi là Lễ hội Trường Yên, hay hội Cờ Lau . Lễ hội Trường Yên: Hội được tổ chức vào ngày mồng 10 đến 13 tháng 3 âm lịch hàng năm tại xã Trường Yên, Huyện Hoa Lư (Cố đô Hoa Lư) để tưởng nhớ công đức vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành.
Lễ Hội Đền Thái Vi Ninh Bình
Lễ hội đền Thái Vi được tổ chức hàng năm từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 3 âm lịch tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Đây là dịp để nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao các vua Trần - những người có công lớn với dân với nước. Sau phần rước kiệu là đến phần tế. Tế là nghi lễ quan trọng được tổ chức trước Đền.
Lễ Hội Tràng An Ninh Bình
Lễ hội truyền thống Tràng An (Thánh Quý Minh Đại Vương) được tổ chức tại đình làng Sinh Dược, xã Gia Sinh huyện Gia Viễn. Lễ hội diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18-3 âm lịch hàng năm, chính hội được tổ chức vào ngày ngày 18 - 3 âm lịch để tôn vinh các vị thần Quý Minh, thần Cao Sơn, thần Khổng Lồ trấn trạch Hoa Lư tứ trấn; các tướng lĩnh của vương triều Đinh đóng quân ở Tràng An và các vua đầu nhà Trần đã lập ra hành cung Vũ Lâm . Lễ hội Đức thánh Quý Minh Đại Vương là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo của Ninh Bình, bởi nó diễn ra trong không gian của những thung nước trong xanh, những hang động lung linh kỳ ảo và giữa bốn bề núi non hùng vĩ…
Lễ Giáng Sinh Nhà Thờ Đá Phát Diệm Ninh Bình
Lễ Giáng sinh tại Nhà thờ đá Phát Diệm: Nhà thờ đá Phát Diệm được coi là kinh đô Công giáo của Việt Nam. Hàng năm, các giáo xứ đều tấp nập mở lễ hội Giáng sinh để mừng ngày Chúa Giê – su ra đời. Trước Giáng sinh mấy ngày, tất cả mọi người đều hào hứng chuẩn bị trang hoàng lại thánh đường. Xung quanh là những dãy đèn lồng trải dài dọc theo các hành lang lối đi bằng đá cùng với các bức tranh mô tả lại cuộc đời Chúa, các vị giáo xứ cũng đặt lại mô hình hang đá tượng trưng cho nơi Chúa hạ phàm. Sân khấu được dàn dựng ngay trong khuôn viên nhà thờ, mọi người tranh thủ tập luyện các tiết mục văn nghệ, hát thánh ca nhằm phục vụ bà con giáo dân và du khách.
Đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình
Rượu Kim Sơn Ninh Bình
Rượu Kim Sơn là tên gọi một loại rượu được sản xuất từ miền biển Kim Sơn thuộc tỉnh Ninh Bình. Rượu Kim Sơn được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc, nguồn nước giếng khơi tự nhiên, sản xuất theo bí quyết của người dân các tại Kim Sơn. Rượu thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Trước đây, rượu được đựng trong các vò đất và nút lá chuối khô, rượu Kim Sơn khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu. Một đặc trưng của rượu là càng để lâu càng ngon, hiện được đề cử kỷ lục "Top 10 đặc sản rượu nổi tiếng nhất Việt Nam".
Cơm cháy Ninh Bình
Cơm cháy Ninh Bình là một trong những món ăn đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình. Cơm cháy ngon phải được làm bằng phương pháp thủ công, chỉ dùng chính hạt gạo nguyên chất để thể hiện giá trị "ngọc thực" của chính nó . Để cơm được ngon thì người ta dùng gạo nếp Hương, hạt gạo tròn và trong. Được nấu trong nồi gang, nấu bằng củi, khi nấu phải để lửa thế nào đó cho thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi, không chỗ nào dày chỗ nào mỏng. Cơm cháy lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên hai, ba nắng thì mới đạt. Khi bảo quản phải vệ sinh, để chỗ thoáng, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn mới chiên giòn. ăn liền với thịt dê, bò hoặc tim, cật lợn xào với rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua. Cơm cháy Ninh Bình là món ăn đặc sản được Tổ chức kỷ lục Châu Á công nhận theo bộ tiêu chí "Giá trị ẩm thực Châu Á"; Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận - Top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam
Thịt Dê Ninh Bình
Dê núi Ninh Bình là tên thường gọi của các món đặc sản ẩm thực được chế biến từ thịt dê sống ở miền núi đá vôi của người Ninh Bình như tái dê, lẩu dê, dê xào, dê nướng, dê né, dê hấp, dê hầm.... Địa hình nhiều núi đá vôi như ở Ninh Bình có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê chính là điều kiện lý tưởng để dê núi phát triển. Những chú dê được chăn thả tự nhiên, hàng ngày leo chèo trên những vách đá lởm chởm, dựng đứng, ăn lá cây và chiều tối cả đàn lại dẫn nhau về hang ngủ. Với đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm, dê núi Ninh Bình đã trở thành đặc sản mà không nơi nào có được . Cùng với cơm cháy Ninh Bình, Dê núi Ninh Bình có mặt trong "Top 50 món ăn đặc sản người Việt Nam" do Trung tâm kỷ lục Việt Nam xác lập ngày 7.9.2012
Mắm tép Gia Viễn Ninh Bình
Mắm tép Gia Viễn: Gia Viễn là nơi có nhiều diện tích đồng chiêm trũng, nhiều ng¬ười làm nghề riu tép và làm mắm tép ngon thứ mắm mặn mòi, dân dã như¬ng đậm đà. Để làm được mắm tép ngon ngư¬ời ta chọn loại tép diu. Tép diu phải là tép già, thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam. Điều quan trọng nữa là tép phải tư¬ơi, đem rửa sạch, để khô. Sau đó lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối chộn đều với tép theo tỷ lệ, bỏ vào hũ, có thể đổ thêm ít n¬ước đã đun sôi để nguội, rồi bịt kín, để một tháng trở lên mới đem nấu chín ăn. Bát mắm tép đư¬ợc múc ra mầu đỏ tư¬ơi, có mùi thơm ngọt, rất hấp dẫn
Nem Chua Yên Mạc Ninh Bình
Nem Chua Yên Mạc: Nhắc đến món nem chua người ta thường nghĩ ngay đến Thanh Hóa, Lai Vung,.. Những địa điểm nổi tiếng từ lâu với những chiếc nem thơm ngon đậm vị. Nhưng ở Yên Mạc, Ninh Bình có đặc sản nem chua có phần khác lạ. Nem chua Yên Mạc được tạo ra lần đầu bởi con gái của vị quan Thượng thư Phạm Thận Duật là Phạm Thị Thư Sáng dựa trên công thức của món nem chua cung đình Huế. Nem chua Yên Mạc được làm từ phần thịt mông của heo, thịt này được thái mỏng chứ không băm nhuyễn như các loại nem khác, cũng không mang đi luộc chín. Phần thịt mông chỉ lấy nạc không lấy mỡ, bì heo luộc, cũng mì chính, muối sẽ được gói lại bằng lá ổi và lá chuối để tăng hương vị và vẻ đẹp của món ăn.
Dứa Đồng Giao Ninh Bình
Dứa Đồng Giao là thương hiệu nông sản của vùng đất Tam Điệp, Ninh Bình. Quả dứa Đồng Giao có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Cây dứa được đưa về trồng ở Đồng Giao từ năm 1972 với 2 giống chính là Cayen và Queen. Dứa được trồng ở Đồng Giao ăn rất ngon, vị ngọt đậm, không xơ. Sự thơm ngon nức tiếng của loại quả này được tạo thành từ điều kiện tự nhiên độc đáo ở Tam Điệp là vùng đất bán sơn địa, thành phần đất có hàm lượng sét cao, tầng mặt tơi xốp và những kinh nghiệm, bí quyết canh tác của người dân tạo nên đặc điểm đặc thù cho sản phẩm dứa Đồng Giao.