Thái Bình ở đâu, Thái Bình có gì đặc biệt
Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng có 54Km bờ biển Thái Bình có 1.860.447 người đông thứ 11 về số dân, tổng sản phẩm trên địa bàn xếp thứ 49 về bình quân đầu người, tốc độ tăng trưởng 10.53% đứng thứ tám, bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng (tương ứng với 1.650 USD) theo tống kê năm 2019.
Địa hình Thái Bình rất bằng phẳng (cùng với Hưng Yên) không có đồi núi. Thái Bình có 5 sông lớn đổ ra biển Sông Hồng tại cửa Ba Lạt; Sông Thái Bình; Sông Diêm Hộ; Sông Trà Lý và sông Kiến Giang. Với đặc điểm địa hình địa lý như vậy, Thái Bình là vựa lúa của miền Bắc, Nhiều Cồn, Các bãi biển tại Thái Bình không đẹp do cửa sông nước không trong, Thái bình thuận lợi nuôi trồng thủy hải sản biển và nước lợ
Các điểm du lịch biển ở Thái Bình
Biển Đồng Châu Thái Bình
Biển Đồng Châu nằm trên địa phận xã Đông Minh huyện Tiền Hải. Cách Tp.Thái Bình khoảng 35km. Biển Đồng Châu tuy không đẹp lắm nhưng lại sở hữu khí hậu cực kì trong lành, đặc biệt, hải sản ở đây rất rẻ và ngon. Do cát có bùn nên bãi biển rất thích hợp với việc nuôi trồng hải sản. Tại đây có những cánh đồng vạng (ngao) với vô vàn chòi canh, góp phần không nhỏ tạo nên sự đặc biệt cho Đồng Châu.
Cồn Vành Thái Bình
Cồn Vành nằm trong Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận từ năm 1994 và là một trong các điểm duy nhất ở Việt Nam giữ được hệ sinh thái cũng như bãi biển nguyên sơ. Cồn Vành nằm cách đất liền 7km thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Cồn Vành nằm ở cửa Ba Lạt, nơi cửa sông Hồng hòa mình vào biển cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hữu tình và tĩnh lặng.
Cồn Đen Thái Bình - Cồn biển đẹp nhất miền Bắc
Cồn Đen được đánh giá là Cồn biển đẹp nhất miền Bắc. Cồn Đen nằm cách đất liền 3 km thuộc xã Thái Đô, Thái Thuỵ, Thái Bình. Cồn Đen có địa hình tương đối bằng phẳng với dải cát dài khoảng 3km, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 700m, chỗ hẹp nhất 450m; dộ dốc vừa phải cồn Đen được mệnh danh là hòn ngọc xanh của đồng bằng sông Hồng, và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004.
Các điểm du lịch tâm linh ở Thái Bình
Chùa Keo Thái Bình
Chùa Keo có tên chữ là chùa Thần Quang, nằm ở Vũ Thư, Thái Bình. Chùa Keo được xây dựng từ thời Lý Thánh Tông, có tuổi đời gần 400 năm sau nhiều lần trùng tu. vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cổ kính đặc trưng của các ngôi chùa Việt. Chùa Keo được đánh giá là công trình có qui mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 41.500m2, gồm 16 tòa kiến trúc với 116 gian xây dựng được làm toàn bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau. Mặc dù vậy qua mấy trăm năm, kết cấu của toàn bộ kiến trúc gỗ này vẫn rất chắc chắn. Các cột đỡ, vì kèo được các nghệ nhân điêu khắc thời Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo. Đặc biệt là gác chuông 3 tầng cao hơn 11 mét với bộ khung được kết cấu bởi gần 100 con sơn chồng lên nhau, được gọi là 100 đàn đầu voi liên kết bằng mộng gỗ, nâng đỡ 12 mái ngói cong thanh thoát. Toàn bộ mái chùa đều được lợp vảy cá mềm mại. Với những giá trị lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật độc đáo, năm 2012 chùa Keo Thái Bình đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt
Khu lăng mộ và đền thờ các vị Vua triều Trần Thái Bình
Long Hưng vốn là nơi dựng nghiệp của nhà Trần. Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thuộc phủ Long Hưng (nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Trước kia, đền có tên là “Trần đế miếu”
là nơi an nghỉ của các vị vua đầu triều và hoàng tộc nhà Trần: Thái tổ Trần Thừa táng tại Thọ Lăng; Thái Tông táng tại Chiêu Lăng, Thánh Tông táng tại Dụ Lăng, Nhân Tông táng tại Đức Lăng. Sau khi Thái Tổ Trần Thừa mất, hương Tinh Cương chính thức được đổi tên thành Thái Đường có nghĩa khu lăng tẩm của vua và hoàng tộc.
Từ năm 1320 trở đi vào đời vua Trần thứ 4 là Trần Anh Tông, các vua và hoàng hậu nhà Trần sau khi mất đều được đưa về an táng tại khu vực An Sinh (thuộc Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay). Năm 1381, Trần Phế Đế đã rước thần tượng của các vua Trần về thờ ở An Sinh
Đền Tiên La Thái Bình
Đền Tiên La nằm ở thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà; được xây dựng để tưởng nhớ Bát Nàn tướng quân (Vũ Thị Thục) - nữ tướng của Hai Bà Trưng có công đánh giặc Tô Định. Đền toạ lạc trên một gò đất rộng 4.000m2, có quy mô lớn, đẹp cả về địa thế và vóc dáng.
Đền A Sào Thái Bình
Đền A Sào nằm tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Đền A Sào là nơi thờ Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đền “A Sào” có tên gọi gốc là A Cảo, một vùng đất bãi nằm ven sông Hóa, nơi được cho là hội tụ khí thiêng sông biển, lại có địa thế hiểm yếu về quân sự nên đã được triều đình nhà Trần chọn làm thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo. Năm 2014, quần thể di tích đền A Sào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Đền Đồng Bằng Thái Bình
Đền Đồng Bằng ở xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Tọa lạc trên khuôn viên rộng 11.000 mét vuông, trải dài trên địa phận hai xã An Lễ, Đông Hải . Đền Đồng Bằng tương truyền thờ Đức Vua cha Bát Hải.. Là một quần thể di tích mang trong mình một truyền thuyết về nơi khai sinh và hóa thánh của 8 (Bát vị) thánh có công chống giặc cứu nước. Đền Đồng Bằng là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ tuyệt đẹp. Toàn bộ khu di tích danh thắng là cả một quần thể rộng lớn, bao gồm hệ thống các đền, miếu, am, tháp, gọi chung là 6 phủ: 1 đền chính (đền Đức Vua) và 5 đền khác là đền Sinh, quan Đệ Nhị, quan Đệ Tam, quan Điều, quan Đệ Bát..
Đền Bà Chúa Muối Thái Bình
Đền thờ Bà Chúa Muối ở thôn Trang Lang Đông xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đền thờ là một công trình kiến trúc đặc biệt kết hợp giữa đền và chùa. Chùa quay hướng Bắc là nơi thờ Đức Phật Thích ca Mâu Ni. Đền quay hướng nam là nơi thờ thánh Mẫu Tam Phi Nguyễn Thị Nguyệt vợ Ba của vua Trần Anh Tông (tức Bà Chúa Muối). Đây là một ngôi đền – chùa đẹp nhất mà trong bia đá năm 1596 có đoạn viết như sau: “Cổ tích Thái Bình hưng quốc tự, bản cổ truyền chi danh lam, bảo Nam bang chi thắng cảnh…” Nghĩa là: “Khu đền chùa Thái Bình Hưng Quốc là nơi danh lam cổ truyền, là địa danh thắng cảnh quý báu nhất dưới trời Nam…”
Đền Đồng Xâm Thái Bình
Đền Đồng Xâm nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, thờ Triệu Đà tức Triệu Vũ Đế (207-136 trước Công Nguyên) nằm trong một quần thể di tích có quy mô rộng lớn.Trong đó, có đền thờ Trình Thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) gắn với những huyền thoại về một làng chèo, làng ca trù và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (thế kỷ XV) vị tổ nghề chạm bạc gắn với một làng nghề Đồng Xâm.
Nhà Thờ Bác Trạch Thái Bình
Nhà thờ Bác Trạch ở Vân Trường, Tiền Hải. Cách thành phố Thái Bình hơn 30km về phía đông. Nhà thờ Bác Trạch được coi là một trong nhà thờ đẹp nhất Thái Bình, là một trong những giáo đường lớn nhất tại Việt Nam. Với chiều dài: 92,5m, chiều rộng: 32m, tum đầu nhà thờ: 57m, tháp chuông cao: 61m. Nhà thờ được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic kinh điển thời xưa và kết hợp với lối kiến trúc của Hy Lạp.
Các làng nghề truyền thống ở Thái Bình
Làng dệt chiếu Hới
Làng dệt chiếu Hới thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đến đây, bạn sẽ được tìm hiểu về các công đoạn để làm một một chiếc chiếu truyền thống, từ thu hoạch chế biến cói cho tới khâu vê đay,…chiếu làng Hới hội tụ những tuyệt kỹ tinh xảo nhất của một chiếc chiếu, từ sự cầu kỳ về nguyên liệu đến việc lựa cói rồi lên khung dệt. Chiếu Hới chính là sản phẩm truyền thống của làng và là sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng nhất vùng, không chỉ của Hưng Hà mà vươn ra cả nước. Hiện nay, chiếu Hới có nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu trơn, chiếu cạp điều…
Làng nghề Đồng Xâm Thái Bình
Làng nghề Đồng Xâm là một làng nghề chạm bạc lâu đời. Trước đây, làng có tên gọi khác là Đường Thâm, nằm tại địa phận xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nghề chạm bạc tại làng Đồng Xâm đã có từ cách đây hơn 400 năm. Đến tham quan làng nghề Đồng Xâm, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn để tạo ra một sản phẩm kim hoàn vô cùng tinh xảo và khéo léo.
Đặc sản Thái Bình
Bánh cáy làng Nguyễn
Bánh cáy làng Nguyễn (làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) được làm từ gạo nếp và các nguyên liệu phụ: gấc, quả dành dành, lạc, vừng, cà rốt, gừng, vỏ quýt, mỡ lợn, đây là loại bánh rất đặc trưng mà ngoài Thái Bình ra không nơi nào có được. Bánh cáy xắt miếng, thưởng thức cùng nước trà xanh nóng rất tuyệt vời.
Canh cá Quỳnh Côi Thái Bình
Canh cá Quỳnh Côi Thái Bình là món ăn dân tộc, dân dã mang hương vị thơm ngon của vùng quê Quỳnh Côi Thái Bình. Xưa cư dân địa phương chỉ làm canh cá với loại cá rô đồng có màu vàng mượt sống ở vùng có đất sét màu đỏ. Vào tháng 3 hàng năm, cá rô sinh sôi nảy nở. Đến tháng 10 cá ăn hoa lúa nên rất béo và thơm. Cá rô bắt được sẽ dùng làm canh cá. Cá dùng làm canh phải còn tươi ngon. Cho cá vào bếp nướng, rán hoặc luộc đến vừa chín tới thì đưa ra khỏi bếp. Sau khi khử sạch vẩy, vây và xương thì cắt cá thành miếng hoặc dằm tơi. Cá sau khi được chế biến như trên được dùng làm canh với bánh đa hoặc cháo, nước dùng và gia vị chanh, ớt, mùi tàu, thì là, rau răm.
Gỏi nhệch
Ở vùng quê ven biển Thái Thuỵ, ngoài món hải sản nổi tiếng là cá khoai thì còn có món gỏi nhệch. Con nhệch có màu sắc và hình dáng tựa như lươn nước ngọt, chỉ có điều dài hơn một chút. Nhệch càng nhỏ càng tốt cho việc làm gỏi vì xương mềm, thịt mịn và ngọt. Nhệch được làm sạch nhớt bằng tro và lá nhái, sau đó mổ bụng vứt ruột đi, bỏ đầu đuôi, chỉ dùng thân. Thân nhệch được cắt ra nhiều đoạn: mỗi đoạn dài từ 2–3 cm. Mỗi đoạn đó lại được khía làm nhiều khúc nhỏ, không đứt hẳn, sau đó lấy khăn sạch thấm nước và cho vào bát ô tô, rắc bột ngọt, ớt khô, riềng giã nhỏ, thính gạo nếp, chờ dậy mùi là được. Nước dùng chỉ bao gồm 2 vị chua ngọt, vị chua được lấy từ quả cà chua luộc lên mà thành, vị ngọt được tạo nên từ đường. Khi dùng món gỏi nhệch bắt buộc phải có các loại rau như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô,….
Gỏi nhệch còn có nhiều ở các tỉnh Nam Định và Ninh Bình