Nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm

Nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm

Hanoi Etoco © Since 2001 - Chất lượng tạo nên sự khác biệt ! - Tel: (024)3516.0534 - 3518.7153 - 0983.35.36.54

Mời bạn tham khảo các tour đang HOT giá RẺ


Làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm có tuổi đời gân 300 năm là làng cổ đầu tiên ở nông thôn trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia.. Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội được biết đến là nơi chứa đựng nhiều di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là những ngôi nhà cổ mang vẻ đẹp lạ mắt. Nét độc đáo ở đây còn nằm chính trong việc người dân sử dụng nguyên liệu từ đá ong để xây dựng nên không gian sinh hoạt cho cả gia đình.

Nhà cổ ở Đường Lâm

Nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm đó chính là những ngôi nhà gỗ với tường xây bằng đá ong, nằm trong các khuôn viên có tường bao cũng bằng đá ong và đường làng lát gạch nghiêng chạy giữa những bức tường ấy…Các chi tiết làm nên” linh hồn” của nhà cổ gồm có tường đá ong, cổng đá ong, lối đi lát gạch nghiêng, bậu cửa cao và gian thờ tổ tiên.

Nhiều ngôi nhà cổ được xây cách đây nhiều đời người, nhiều ngôi nha có tuổi đời đến 300 năm. Ngày ấy không có ghạch nên đàn ông trong mỗi gia đình thường đi đào những tảng đá ong nằm sâu dưới lòng đất, về cắt xén thành bản vuông để xây nhà. Mỗi viên cũng nặng gần 20kg, nhìn có vẻ hơi xấu nhưng dùng để làm nhà thì rất thích vì mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Cách xây dựng nhà đá ong cũng mang đầy tính dân dã. Các ngôi nhà thường có móng nhà khá nông, chiều cao cũng chỉ khoảng độ 5m và được lợp mái bằng ngói móc, ngói ri.

Nhà được bố trí kiến trúc 5 hàng chân, với mô hình 5 gian hay 7 gian 2 dĩ; hệ thống ngách, cửa bức bàn hoặc cánh phố. Trần nhà thường gác cái thước “lỗ ban” nơi câu đầu, xà nóc có khắc niên đại; các bức thùng, vòm cửa là nơi được khắc nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ. Gian giữa, chiếm nhiều diện tích, là nơi bố trí ban thờ tổ tiên.

Gắn liền với đó là các bộ hoành phi, câu đối, tranh ảnh cổ, các bộ đồ thờ, những kỷ vật của các bậc tiền nhân, phía dưới đặt bộ phản để ngồi. Ngoài ra còn có thêm bộ trường kỷ. Trên bàn hầu như nhà nào cũng có chiếc ấm tích ủ nước chè xanh mời khách hoặc đôi khi là chiếc điếu bát, điếu ống tre để hút thuốc lào.

Các ngôi nhà trong làng đều có kiểu nội tự – ngoại khách, sân nhà thấp hơn mặt đường, vào những ngày mưa, nước từ ngoài dồn vào trong sân (tụ thủy sinh tài) rồi mới chảy thoát ra đường cống.

Cổng nhà hình quai giỏ, mềm mại về đường nét và vững chắc nhờ vật liệu đá ong. Nhà quan lại thường có vòng cửa mặt hồ phù, phía trên đắp hình long, ly, quy, phượng hay lưỡng long chầu nguyệt. Mỗi ngôi nhà là một đồ gia bảo, là lịch sử, văn hoá và cũng là nơi thờ tự thiêng liêng của mỗi dòng họ.

Nét riêng nhất chính là kiến trúc làng: những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ. Đường ngõ trong làng đều là ngõ cụt để đề phòng trộm cướp. Do khai thác tốt độ dốc, lại không có nhiều nghề phụ nên đường đi lối lại ở Đường Lâm rất sạch sẽ và phong quang.

Ngoài ra, Đường Lâm còn có hệ thống nhà thờ họ, miếu, quán, giếng cổ, ngõ; kèm theo đó là hệ thống cảnh quan môi trường sinh động với 36 gò đồi, 18 rộc sâu, 49 ao, hồ, vũng, chuôm, hàng chục cây cổ thụ gồm: đa, đề, si, ruối, trong đó nổi bật là rặng ruối cổ gồm 29 cây ở khu vực đền – lăng Ngô Quyền. Tương truyền, nơi đây, vua Phùng Hưng và Ngô Quyền đã buộc voi, ngựa chiến. Những thửa ruộng, gò, đồi bãi mấp mô cực kỳ sinh động và hấp dẫn những nhiếp ảnh gia khi mùa vàng đến, hay lúa, ngô với màu xanh mướt.

Nếu hữu ích xin bạn click quan tâm để ủng hộ
Nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm đạt 4.13 / 5 với 13 đánh giá