Hang động núi lửa Đăk Nông nhiều kỷ lục

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, Công viên địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thị của tỉnh, bao gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa. Hệ thống hang động núi lửa được xem là phần độc đáo nhất của Công viên địa chất Đắk Nông.

Cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất, từ một phần của đại dương rộng lớn, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Các hoạt động của núi lửa đã phủ lên khu vực này một lớp dung nham bazan. Cách đây hơn 10.000 năm, nhiều miệng núi lửa trong khu vực vẫn còn hoạt động và tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo tạo nên công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông ngày nay.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, toàn bộ Công viên địa chất Đắk Nông hiện có khoảng 65 điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước. Các điểm di sản này là mỏ vàng khai thác du lịch Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Hang động núi lửa Đắk Nông với nhiều kỷ lục

Các miệng núi lửa trong Công viên địa chất Đắk Nông đều có quy mô lớn, đồ sộ, tiêu biểu như núi lửa Nam Dơng (xã Nam Dong, huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Blang (xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Ka (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô), núi lửa Nâm Gle (xã Thuận An, huyện Đắk Mil)… Đây đều là những điểm đến hấp dẫn, nhất là đối với du khách đam mê mạo hiểm, thích khám phá những nét độc đáo, hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Tuy nhiên, hệ thống hang động núi lửa mới được xem là phần độc đáo nhất của Công viên địa chất Đắk Nông. Hang động núi lửa được dòng chảy dung nham núi lửa tạo ra, dung nham làm nóng chảy đất đá tạo nên các hang động núi lửa. Các hang động này lại thành các đường ống dẫn dung nham núi lửa trào ra ngoài. Đến nay, các nhà khoa học và tỉnh Đắk Nông xác định hệ thống có gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m. Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản xác lập kỷ lục Đông Nam Á hệ thông hang động núi lửa Đắk Nông về cả quy mô, độ dài và tính độc đáo, phân bố chủ yếu ở khu vực huyện Krông Nô.

Tại nhiều hang động núi lửa, các nhà khoa học ghi nhận, khám phá nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Tiêu biểu như hang C7 có tổng chiều dài gần 1.100 m và được mệnh danh là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á, hang C6.1 có nhiều dấu tích cư trú, sinh sống của người tiền sử cách đây từ 7.000 - 10.000 năm..


Nếu hữu ích xin bạn click quan tâm để ủng hộ

Bây giờ đi đâu, Đi đâu bây giờ ?