Thông tin du lịch Huế. Lịch sử và tên gọi Huế

Thông tin du lịch Huế. Lịch sử và tên gọi Huế

Hanoi Etoco © Since 2001 - Chất lượng tạo nên sự khác biệt ! - Tel: (024)3516.0534 - 3518.7153 - 0983.35.36.54

Mời bạn tham khảo các tour đang HOT giá RẺ

Tổng quan về Huế

Huế là một thành phố ở miền Trung Việt Nam và là tỉnh lị của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới các triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn, Huế nổi tiếng với những đền chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc gắn liền với cảnh quan thiên nhiên.

Lịch sử và tên gọi Thuận Hóa

Năm 1306, Công chúa Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, đổi lấy hai châu Ô và Rí làm sính lễ. Năm 1307, vua Trần Anh Tông tiếp thu vùng đất mới và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa. Việc gom hai châu này làm một dưới cái tên phủ Thuận Hóa (chữ Hán: 順化) được thực hiện dưới thời nội thuộc Nhà Minh. Đến đời Nhà Hậu Lê, Thuận Hóa là một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn, (thế kỷ 17- 18) là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân.

Phú Xuân Năm 1626

Để chuẩn bị cho việc chống lại họ Trịnh, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên và đổi Dinh làm Phủ. Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt Phủ. Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn, dời Phủ chúa về làng Phú Xuân (富春), thuộc huyện Hương Trà và năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên làm nơi đặt Phủ mới. Đến khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền năm 1738 thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân họ Trịnh. Năm 1802, sau khi thống nhất Việt Nam, vua Gia Long đã "đóng đô ở Phú Xuân, mới gọi là Kinh sư".

- Sự xuất hiện của địa danh "Huế" Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh "Huế" chính thức xuất hiện lúc nào, theo một số thông tin thì: Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: “Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then".

Lịch sử và tên gọi Huế

Hiện nguồn gốc tên gọi này được một số nhà "Nghiên cứu Huế" kiến giải như sau:

- Học giả Thái Văn Kiểm kiến giải: Căn cứ trên những dữ kiện về ngôn ngữ và từ điển thì có thể chữ Huế đã xuất hiện trong thời kỳ Nam Bắc phân tranh, chữ Huế bắt nguồn từ chữ Hóa trong địa danh Thuận Hóa. Hóa biến thành Huế có thể là do kị huý, theo ông, có thể là tên ông Nguyễn Nạp Hóa, cháu 6 đời của ông Nguyễn Bặc - công thần của nhà Đinh - tổ của nhà Nguyễn hoặc cũng có thể do kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, chánh cung của vua Minh Mạng, thân mẫu của vua Thiệu Trị- vì Hoa và Hóa đọc na ná - nên Hóa phải đổi thành Huế.

- Nghiêm Đức Thảo, đã có một kiến giải về nguồn gốc của Huế dựa trên bài văn "Thập giới cô hồn quốc ngữ văn" của Lê Thánh Tông. Ông kết luận: phải nói địa danh Huế có trước khi vua Lê Thánh Tông ghé đến, ít ra là trước năm 1497.

- Nhà nghiên cứu Võ Hương An cho rằng: Một địa phương Việt Nam thường có hai tên, một tên chính thức bằng chữ Hán, và một tên Nôm do dân chúng đặt. Trong trường hợp như thế, sử sách Nhà Nguyễn có khuynh hướng chỉ ghi tên chính thức, tên “chữ” (Hán) và thường bỏ qua cái tên thông tục. Đó là lý do cái tên Huế không có trong sử liệu Nhà Nguyễn. Quốc ngữ thời A. de Rhodes là loại quốc ngữ chưa định hình...Sự hiện hữu của hai âm "hóa", "huế" về cùng một địa phương và có giá trị như nhau cho phép nghĩ rằng vào thời bấy giờ Kim Long còn có một tên khác là Kẻ Huế hay Kẻ Hóa (tùy theo cách gọi của dân chúng). Những cái tên Kehue hay Kehǒá ban đầu đó tiếp tục xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau theo cách nghe và cách viết của mỗi người (Tây phương), cho đến khi định hình hẳn, từ nửa sau thế kỷ 18, theo cách của Pháp là Hué..

Thị xã Huế:

Vào cuối thế kỷ 19, xứ Huế và cả miền Trung là nơi chậm phát triển kinh tế công-thương nghiệp so với miền Bắc và miền Nam. Một trong những giải pháp có thể đáp ứng tích cực những yêu cầu ấy là xúc tiến việc thiết lập các khu hành chính đô thị.
- Ngày 6 tháng 9 năm Thành Thái thứ 10 (ngày 20 tháng 10 năm 1898), dưới sự chỉ đạo và phê duyệt của Khâm sứ Trung Kỳ Boulloché, Cơ Mật Viện triều đình Huế đã làm tờ trình dâng lên Thành Thái yêu cầu nhà vua cho phép "những nơi nào Khâm sứ Trung Kỳ và Cơ Mật Viện xét thấy cần thiết, sẽ thiết lập ở nơi đó một đô thị".
- Ngày 5 tháng 6 năm Thành Thái thứ 11 (ngày 12 tháng 7 năm 1899), vua Thành Thái xuống Dụ công bố thành lập thị xã Huế với nội dung: "Chiểu theo kết quả tốt đẹp của những biện pháp mà Cơ Mật Viện đã đề xuất vào ngày 6 tháng 9 năm Thành Thái thứ 10 về vấn đề thành lập các đô thị ở An Nam, nay trẫm quyết định bổ khuyết các biện pháp đó bằng một tổ chức hẳn hoi. Tổ chức này được áp dụng ở các thị xã là Thanh Hoá, Vinh, Huế, Hội An, Quy Nhơn và Phan Thiết"
- Ngày 13 tháng 7 năm 1899, Khâm sứ Trung Kỳ Boulloché phê duyệt tờ Dụ của vua Thành Thái, và đến ngày 30 tháng 8 năm 1899 Toàn quyền Đông Dương ra quyết định chuẩn y thành lập "thị xã Huế" (cùng 5 thị xã trên).

Thành phố Huế:

Sau ngày tuyên bố độc lập (ngày 2 tháng 9 năm 1945), Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tiến hành kiện toàn lại bộ máy quản lý nhà nước, sắp xếp lại lại các đơn vị hành chính trong cả nước. Sắc lệnh số 77 ngày 21 tháng 12 năm 1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam quy định Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn đều đặt làm thành phố. Thành phố Hà Nội được đặt trực tiếp dưới quyền của Chính phủ Trung ương, còn các thành phố khác đều thuộc quyền của các Kỳ. Ở mỗi thành phố đặt cơ quan Hội đồng nhân dân thành phố, Uỷ ban hành chính thành phố, Uỷ ban hành chính khu phố... Đầu năm 1946, Chính phủ Việt Nam giải tán các cấp hành chính châu, quận, phủ, tổng; thành lập chính quyền bốn cấp từ bộ đến tỉnh- thành phố, huyện, xã (bãi bỏ cấp kỳ, thay vào đó là cấp bộ).
Giai đoạn từ năm 1954-1975: sau khi thành lập chính phủ Việt Nam Cộng Hoà và ban hành hiến pháp, tổng thống Ngô Đình Diệm đã tiến hành xây dựng bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở, đồng thời tiến hành cải tổ nền hành chính ở các địa phương. Theo tinh thần tờ Dụ số 57A ngày 24 tháng 10 năm 1956 với chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, thị xã Huế là đơn vị hành chính ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên, tuy tỉnh lị Thừa Thiên đặt ở Huế. Mô hình này chỉ tồn tại đến năm 1975
Ngày 24 tháng 8 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành quyết định số 209/2005/QĐ-TTG, theo đó, thành phố Huế được nâng từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1 nhưng không trực thuộc trung ương mà trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sau khi Huế được công nhận là đô thị loại 1, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang lập đề án đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc trung ương.
Ngày 30/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 143/2007/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng thành phố Huế thành thành phố Festival.
Theo đó, đề án có mục tiêu chung là xây dựng thành phố Festival mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam; đưa Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hòa với thành phố Festival, làm động lực phát triển kinh tế, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Để thực hiện đề án, ngoài nguồn vốn đầu tư cho các dự án của Trung ương trên địa bàn, hằng năm ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ đầu tư thực hiện một số công trình quan trọng trong mục tiêu xây dựng thành phố Festival.

Nếu hữu ích xin bạn click quan tâm để ủng hộ
Thông tin du lịch Huế. Lịch sử và tên gọi Huế đạt 4.12 / 5 với 42 đánh giá