Top các điểm Du lịch Thanh Hóa - Phần 2

Top các điểm Du lịch Thanh Hóa - Phần 2

Hanoi Etoco © Since 2001 - Chất lượng tạo nên sự khác biệt ! - Tel: (024)3516.0534 - 3518.7153 - 0983.35.36.54

Mời bạn tham khảo các tour đang HOT giá RẺ

Các điểm du lịch gắn với di tích lịch sử ở Thanh Hóa

Thái miếu Hậu Lê Thanh Hóa

Thái miếu nhà Hậu Lê hiện tọa lạc tại phố Kiều Đại, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Thái miếu nhà Hậu Lê hiện thờ tự đầy đủ nhất các vị vua, các vị hoàng hậu, hoàng Thái hậu, Triệu tổ, Hiển tổ, Tuyên tổ cùng các vị vương công, đại thần, ban thờ chung các anh hùng nghĩa sĩ Lam Sơn... Dù trải qua hơn 200 năm lịch sử, nhưng Thái miếu nhà Lê còn lưu giữ được nhiều hiện vật quan trọng như: Nghê gỗ từ thế kỷ 17 được chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn và giá trị văn hoá của thời Hậu Lê. Năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia

Đền Bà Triệu Thanh Hóa

Đền Bà Triệu thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đền Bà Triệu là nơi thờ tự vị nữ anh hùng dân tộc Việt tên là Triệu Thị Trinh, người đã có công đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô (Trung Quốc) vào giữa thế kỷ thứ 3. Bà được vua Lý Nam Đế sai lập miếu thờ, phong là "Bậc chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân". Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa có lối kiến trúc truyền thống của vùng đồng bằng bắc trung bộ. Khu di tích Bà Triệu bao gồm đền Bà Triệu, Lăng tháp Vua Bà và đình Phú Điền.

Đền Thờ Mai An Tiêm Thanh Hóa

Thuộc xã Nga Phú huyện Nga Sơn. Cách huyện lỵ Nga Sơn 5 km về phía đông Bắc. Ngôi đền này chứa một huyền thoại được lưu truyền từ bao đời nay. Mai An Tiêm là người có công khai phá xây dựng đất Nga Sơn từ buổi bình minh của đất nước, An Tiêm được coi là ông tổ của nghề trồng dưa hấu tại Việt Nam, dưa hấu Mai An Tiêm là sản vật rất nổi tiếng ở Nga Sơn. Hàng năm lễ hội Mai An Tiêm diễn ra trong khoảng 12-15 tháng 3 âm lịch.

Phủ Trịnh Thanh Hóa

Phủ Trịnh được xây dung ở vùng đất cổ Biện Thượng (xã vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc ngày nay), nằm ở tả ngạn sông Mã. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên, cũng là hành dinh của Nhà Trịnh trên đất Thanh Hóa trong công cuộc “phò Lê, diệt Mạc”. Trước đây, Phủ Trịnh được xây dựng trên vùng đất rộng hàng chục mẫu, với nhiều dinh thự uy nghi. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, Phủ Trịnh chỉ còn lại một ngôi nhà ngói cổ 7 gian là nơi thờ các vị chúa, nằm khiêm tốn trong khu dân cư đông đúc, gọi là Phủ Từ, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia

Khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa

Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha, nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh - còn được gọi là Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh - Hà Nội) có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua. Khu di tích Lam Kinh còn lưu giữ được khá nhiều bia cổ, trong đó có bia Vĩnh Lăng nổi tiếng cô đọng phản ánh đầy đủ thân thế, sự nghiệp công lao của vua Lê Thái Tổ. Năm 2013, khu di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Đền Thờ Lê Hoàn Thanh Hóa

Đền Lê Hoàn ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Lê Hoàn mất ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) tại Cố Đô Hoa Lư - tỉnh Ninh Bình, thi hài Lê Hoàn được an táng tại Sơn Lăng, châu Trường Yên. Sau khi vua Lê Đại Hành mất, để tưởng nhớ công lao của Người, nhân dân đã lập đền thờ ngay trên mảnh đất mẹ con Vua đã ở, ngôi đền đã nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ kính xưa. Tại đền còn bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như, bia ký, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, hoành phi, hương án, khám thờ, tượng pháp, gốm sứ thời Lý, Trần, thời Minh và chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng vua Lê. Đ ền thờ Lê Hoàn hiện được xem là ngôi đền cổ bậc nhất xứ Thanh, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2018

Đền thờ Lê Lai Thanh Hóa

Đền thờ Lê Lai (đền Tép) được xây dựng tại làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ , đây là quê hương Lê Lai. Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, là nơi hậu thế tỏ lòng thành kính, ngưỡng vọng bậc danh tướng nhà Lê – Ông là người có công lớn giúp Lê Lợi gây dựng sự nghiệp, đặc biệt, ông đã hy sinh thân mình để cứu Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của giặc Minh và được hậu thế ngợi ca là tượng đài về lòng trung quân ái quốc, đồng thời được vua Lê Thánh Tông gia phong là Trung Túc Vương (năm 1484). Lê Lai cũng đã được Vua Lê Thái Tổ phong là công thần hạng nhất và tặng là “Suy trung đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần”. Công lao của Trung Túc Vương Lê Lai đã được lịch sử tôn vinh, được nhân dân nước Việt đời đời ghi nhớ.

Khu di tích Lăng Miếu Triệu Tường Thanh Hóa

Khu lăng miếu Triệu Tường tại thôn Gia Miêu, xã Hà Long Huyện Hà Trung (Tỉnh Thanh Hóa thuộc vùng Bắc Trung Bộ) Di tích lăng miếu Triệu Tường được vua Gia Long cho xây dựng năm 1803. nơi phát tích của 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc tưởng niệm, miếu thờ của vương triều Nguyễn, được xây dựng với quy mô lớn, có giá trị đặc biệt về kiến trúc và nghệ thuật trang trí điêu khắc. Các nhà sử học coi khu di tích này là “kinh thành Huế thu nhỏ”. Trong những năm gần đây, khu di tích lăng miếu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Thành nhà Hồ Thanh Hóa

Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Thành xây trên địa phận hai thôn Tây Giai, Xuân Giai nay thuộc xã Vĩnh Tiến và thôn Đông Môn nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397). dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau (1400) lập ra nhà Hồ . Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011 Thành nhà Hồ được Unesco công nhận di sản văn hoá thế giới.

Các di tích cách mạng ở Thanh Hóa

Cầu Hàm Rồng Thanh Hóa

Cầu Hàm Rồng, TT. Tào Xuyên, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã. Cây cầu gắn liền với những biến cố, thăng trầm lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc. Nơi đây được xem là “yết hầu” của “con đường huyết mạch” một thời, là niềm tự hào của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử oanh liệt. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, là trọng điểm của cuộc đấu tranh bảo vệ giao thông. Tên gọi Hàm Rồng đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của cả nước, cây cầu này còn có tên gọi khác là: Cầu 19 tháng 5. Cầu được xây dựng lại và khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964. Từ tháng 12-2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ phục vụ chủ yếu cho ngành đường sắt.

Chiến khu Ba Đình Thanh Hóa

Chiến Khu Ba ĐìnhThuộc địa phận xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, cách huyện lỵ 4 km. Gọi là Ba Đình, vì gồm ba làng: Mỹ Khê, Thượng Thọ, Mậu Thịnh. Ba Đình được bao quanh mấy con sông: sông Hoạt, sông Chính Đại, sông Lèn, sông Báo Văn. Đây là một căn cứ của nghĩa quân Cần Vương dưới sự lãnh đạo của Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, cầm cự với quân Pháp thời kỳ 1887 - 1888. Công sự được xây dựng kiên cố, chiến lũy vững vàng. Đây là di tích tiêu biểu cho phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX.

Chiến khu Ngọc Trạo Thanh Hóa

Chiến khu và đội du kích Ngọc Trạo được thành lập ngày 19 - 9 - 1941 tại làng Ngọc Trạo, tổng Trạc Nhật, nay là xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành. Đây là căn cứ địa, là lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên của Thanh Hóa. Ngay khi mới thành lập, ảnh hưởng của chiến khu và đội du kích đã mau chóng lan ra. Số đội viên du kích khi mới thành lập có 21 người, đến cuối tháng 9 - 1941 quân số đã lên tới trên 40 đội viên rồi lên 80 người. Tháng 10 -1941 bị địch khủng bố, đội chuyển về căn cứ Cẩm Bào (Vĩnh Long, Vĩnh Lộc) và sau đó phân tán đi các nơi hoạt động. Đồng chí Nguyễn Văn Hinh (chỉ huy) và nhiều chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh.

Bến Phà Ghép Thanh Hóa

Bến Phà Ghép là một vị trí trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương (bên phía bờ Bắc) và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia - nay là thị xã Nghi Sơn (bên phía bờ Nam), nơi cuối nguồn của con sông Yên chảy ra biển. Với vị trí giao thông trọng yếu như vậy, cho nên trong 02 cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ thì Phà Ghép là một trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam của Nhân dân ta. Những năm tháng khốc liệt đó, Bến Phà Ghép được xem như là "túi bom", là "tọa độ lửa"

Các điểm du lịch tâm linh ở Thanh Hóa

Chùa Mật Đa Thanh Hóa

Địa chỉ: Phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa. Đây là một ngôi chùa có bức cửa võng mang đậm nét nghệ thuật điêu khắc thời Lê. Các pho tượng Phật uy nghiêm nơi Tam Bảo, toát lên tinh thần ‘‘Hòa quang đồng trần” phụng sự cuộc sống xã hội và đời sống tâm linh. Chùa Mật Đa Thanh Hóa được xây dựng với kết cấu khung gỗ lim, có chạm trổ hoa văn, mái cong lợp ngói. Bên trong chính diện là bức đại tự sơn son thếp vàng chạm 3 chữ ‘‘Mật Đa Tự ’’ và gian giữa là bức đại tự với dòng chữ ‘‘Pháp giới mông huân”.Đây là một ngôi chùa cổ kính và thiêng liêng nhất ở Thanh Hóa

Chùa Vồm Thanh Hóa

Chùa Vồm(hay còn gọi là chùa Đại Hùng) phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa là một ngôi chùa được xây dựng dưới chân núi Bàn A vào thế kỷ 19 dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460). Ngôi chùa có thế dựa vào núi đá, được dãy núi và tầng tầng lớp lớp cây xanh mướt che chở tạo nên một không gian bình yên, tĩnh lặng pha chút nét kì bí, hoang sơ. Trong khuôn viên chùa hiện còn lưu giữ nhiều di vật, dấu tích có giá trị về văn hóa, lịch sử như: Tượng Phật A Di Đà cao 6m, rộng 3,2m được khắc trực tiếp vào vách đá từ thế kỉ XVII.

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh Thanh Hóa

Nằm trên địa bàn xã Văn Lộc (Hậu Lộc) tuổi đời gần 900 năm tuổi (thời nhà Lý). Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một ngôi chùa đẹp ở Thanh Hóa rất nổi tiếng và linh thiêng. Theo sử sách ghi chép, chùa do Chu Thiện Hạo, giữ chức Thông phán quận Cửu Chân, đứng ra đốc thúc xây dựng. Trong Chùa hiện còn giữ được rất nhiều di vật bằng gốm, có hoa văn thời Lý…Các hiện vật trang trí nội thất ở trong chùa còn khá đầy đủ và được nhà sư bảo vệ chu đáo. Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là một di tích văn hoá – kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đáng trân trọng và cần được giữ gìn, bảo vệ.

Đền Sòng Sơn Thanh Hóa

Đền Sòng Sơn ở Phường Bắc Sơn, Thị xã Bỉm Sơn,Tỉnh Thanh Hoá. Đền Sòng Sơn trước đây có tên là đền Sùng Trân thuộc làng cổ Đam, trang Phú Dương, phủ Hà Trung. Đền Sòng Sơn được xây dựng vào thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông( 1740- 1786) là nơi thờ Nữ Thần Vân Hương- Bà Chúa Liễu Hạnh hay Thánh mẫu Liễu Hạnh. một trong Tứ bất tử của người Việt Nam từ xa xưa. Đền Mẫu Sòng Sơn có từ thời Vua Lê Hiển Tông - Thế kỷ 18, hiện nay trong Đền Sùng Sơn có một chiếc cầu đá do một Hoàng Hậu thời Lê Cảnh Hưng xây dựng. Đây được coi là một trong các nôi đền linh thiêng nhất xứ Thanh

Linh thiêng đền Cô Chín Thanh Hóa

Đền Chín Giếng (còn gọi là Đền Cô Chín) cách đền Sòng Sơn 1km về phía Đông, thuộc Trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống Sơn, Thanh Hóa. Đền là nơi thờ Cửu Thiên Huyền Nữ - con gái thứ chín của Ngọc Hoàng Thượng Đế.. Được khởi dựng cùng thời với Đền Sòng Sơn (Thời Cảnh Hưng, triều vua Lê Hiển Tông 1740 -1786). Được tu sửa vào năm 1939. Đền Cô Chín cũng là điểm đến được nhân dân Thanh Hóa và du khách thập phương ghé thăm. Năm 1993 được Bộ Văn Hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc Gia.

Các lễ hội ở Thanh Hóa

Các lễ hội ở Sầm Sơn Thanh Hóa

Các lễ hội truyền thống của Thành phố Sầm Sơn thường trải dài suốt cả năm. Tập trung nhất vẫn là 2 mùa xuân và hè, là mùa chính của các lễ hội và Du lịch Sầm Sơn - Lễ hội du lịch Sầm Sơn: Là sự kiện khai trương du lịch Sầm Sơn, được tổ chức vào trung tuần tháng tư hàng năm. Với những chương trình rực rỡ sắc màu, tưng bừng cờ hoa và kết nối bạn bè bằng những hoạt động phong phú, hấp dẫn. - Lễ hội cầu phúc: Diễn ra vào ngày 16 tháng 2 (âm lịch) hằng năm tại đền Độc Cước. Đây là lễ hội tôn vinh thần Độc Cước, cầu cho “Quốc thái dân an”, nhân dân no ấm, hạnh phúc; cầu cho trời yên biển lặng để dân chài ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá. - Lễ hội Bánh chưng – Bánh giầy: Được tổ chức vào ngày 12 tháng 5 (âm lịch) hằng năm tại đền Độc Cước. Nội dung chính của lễ hội là tế lễ, cầu mưa và thi làm bánh Chưng, bánh Giầy.

Lễ hội rước thần cá Cẩm Thủy Thanh Hóa

Được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm ở bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Người dân địa phương tổ chức lễ hội này với đầy đủ các nghi thức trang trọng, họ cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, nhân dân khỏe mạnh, mùa màng thuận lợi. Bắt đầu cho nghi thức lễ hội, họ rước thần cá từ suối Ngọc sau đó đưa về sân vận động của bản để làm lễ và đưa lên đền thờ để cúng tế.

Trò Chiềng Thanh Hóa

Lễ hội Trò Chiềng ở làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định ra từ ngày 10-12 tháng Giêng để tưởng nhớ công lao của Tam Công Trịnh Quốc Bảo- người có công lớn trong việc dẹp giặc, gìn giữ non sông, tạo dựng và truyền dạy Trò Chiềng cho người dân xã Yên Ninh. Lễ hội cũng là dịp người dân thể hiện tín ngưỡng tâm linh, cầu cho dân an vật thịnh, mùa màng tốt tươiNgày 20-6-2017, Lễ hội Trò Chiềng đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia

Lễ hội Pôôn Pôông Thanh Hóa

Lễ hội Pôôn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy. Lễ hội Pôồn Pôông (tiếng dân tộc Mường là cuộc chơi hoa) theo quan niệm của người Mường là lễ cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Ờm - Bồng Hương và cũng là dịp về Mường vui vầy cùng các nam thanh, nữ tú. Hình thức nghệ thuật diễn xướng tinh tế này đã tạo nên nét riêng biệt của cộng đồng người Mường, cuốn hút người xem hòa mình vào các trò chơi, trò diễn dân gian.

Lễ hội Mường Xia Thanh Hóa

Lễ hội Mường Xia được tổ chức vào ngày 10-2 âm lịch hàng năm là sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc và gắn với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Thái huyện Quan Sơn. Lễ hội cũng là dịp để người dân trong vùng tri ân, tưởng nhớ công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lao to lớn tiến quân lên vùng biên viễn, diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương và mang lại cho người dân dọc biên giới phía tây Thanh Hoá cuộc sống yên lành, no ấm.

Trò Xuân Phả Thanh Hóa

Trò Xuân Phả thường diễn ra vào các ngày từ 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hàng năm tại di tích Nghè Xuân Phả, là các trò diễn dân gian mô tả cảnh 5 quốc gia cổ (thuộc Trung Hoa, Hòa Lan, Tú Huần, Chăm Pa, Ai Lao) đem lễ vật cùng với những tiết mục múa hát đặc sắc của quốc gia họ để chúc mừng Hoàng đế nước Việt xưa. Trò Xuân Phả được hình thành và phát triển hơn nghìn năm để trở thành một tổ hợp múa dân gian đặc sắc, độc nhất vô nhị . Tháng 9/2016, Trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội đền Sòng Sơn Thanh Hóa

Lễ hội Đền Sòng thường diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26-2 âm lịch hàng năm, trong đó ngày 25 là chính hội, đó là ngày Thánh Mẫu hạ giới. Ngày chính hội diễn ra từ 5h sáng - khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, điểm nhấn là lễ rước Thánh Mẫu từ Đền Sòng đến Đền Chín Giếng và tế nữ quan. Thủ tục của lễ hội được quản lý và đặt theo một quy định nhất định, vật lễ gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, xôi thịt, một số địa phương dâng thêm bánh chưng, bánh răng bừa, bánh nếp, bánh mật, bánh trôi. Với tấm lòng thành kính, người dân cầu xin Mẫu ban cho nhiều may mắn.

Lễ hội đền Bà Triệu Thanh Hóa

Lễ hội Bà Triệu được tổ chức vào các ngày 20 - 23/02 âm lịch hàng năm tại xã Triệu Lộc - Hậu Lộc - Thanh hoá. Lễ hội diễn ra nhằm tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh. Đây cũng là một trong những lễ hội Thanh Hóa có quy mô tổ chức rộng lớn nhất, cụ Những lễ nghi tế tại lễ hội Bà Triệu được tổ chức một cách trang trọng tại các đền và đình làng. Điểm khác biệt của lễ hội này so với các lễ hội khác đó chính là phần hội thường không có trò chơi dân gian, thay vào đó là Hội trận giúp khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô trong lịch sử. thể được tổ chức theo quy trình đền, lăng, đình.

Lễ hội Cầu Ngư Hậu Lộc

Lễ hội Cầu Ngư tại làng Diêm Phố, xã biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa diễn ra từ ngày 21 đến 24-2 âm lịch hàng năm, là dịp để người dân Hậu Lộc nói chung và người dân xã Ngư Lộc nói riêng tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thần, phật. Đây còn là dịp để người dân gửi gắm những khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi vào lộng được mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Ngày 11-9-2017 Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gi

Lễ hội Lê Hoàn Thanh Hóa

Được tổ chức: Ngày 7 – 9 tháng 3 âm lịch hang năm, tại Thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Hoạt động của lễ hội nhằm tưởng nhớ đến vua Lê Đại Hành – người đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân xâm lược Tống. Bên cạnh đó, đây cũng là hoạt động để người dân địa phương khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, dâng hương tưởng niệm đến các vị anh hùng dân tộc.

Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa

  • Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ) tại khu vực Lam Kinh thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá nơi an táng vua Lê Thái Tổ. Nơi đây, ngày trước, theo định lệ, cứ ba năm một lần, vào ngày giỗ vua, các vua quan nhà Lê ở Ðông Kinh (Thăng Long) lại về Lam Kinh làm lễ. Còn nhân dân địa phương hàng năm vẫn mở hội tưởng nhớ, tôn vinh người anh hùng dân tộc này.
  • Truyền thống dân gian Việt Nam còn lưu truyền câu thành ngữ “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” gắn với tích sử “Lê Lai liều mình cứu chúa”. Trong tinh thần báo đáp hành động nghĩa hiệp của vị khai quốc công thần triều Hậu Lê đã xã thân vì nghiệp lớn, Lê Lợi đã truyền dạy con cháu phải làm lễ giỗ Lê Lai trước giỗ của ông một ngày. Vì vậy khi Lê Thái Tổ mất vào ngày 22-8 năm Quý Sửu (1433) thì ngày 21-8 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày giỗ của Lê Lai dù rằng ông còn một ngày giỗ khác vào đúng ngày mất – mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

Dân ca, dân vũ Đông Anh

Dân ca Đông Anh hay Dân ca, dân vũ Đông Anh hay ngũ trò Viên Khê là hệ thống các trò diễn xướng đi kèm các bài dân ca, lưu hành tại thôn Viên Khê, xã Đông Khê (trước đây thuộc xã Đông Anh cũ) và vùng phụ cận, thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Các trò diễn Đông Anh phản ánh đời sống sinh hoạt và tâm tư tình cảm của người nông dân Việt Nam xưa. Những lời ca như: Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng... đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Ngũ trò Viên Khê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ ngày 11 tháng 9 năm 2017.

Các làng nghề ở Thanh Hóa

Chiếu Nga Sơn Thanh Hóa

Làng nghề dệt chiếu Nga Sơn Nga Sơn là tên một huyện của Thanh Hóa nơi có 8 xã trồng cói để dệt chiếu. Chiếu cói Nga Sơn từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi bật của xứ Thanh. Chiếu cói Nga Sơn được nhiều người yêu thích bởi nó hoàn toàn là sản phẩm dệt thủ công, sợi chiếu nhỏ, mềm và óng mượt. Chiếu rất phong phú về kiểu dáng cũng như màu sắc trang trí lại gọn nhẹ và giá thành rất hợp lí. Hiện nay, chiếu cói Nga Sơn có mặt khắp nơi trong toàn quốc và được ưa chuộng ở một số quốc gia lân cận.

Chạm khắc đá làng Nhồi Thanh Hóa

Làng Nhồi, gồm có Nhồi Thượng và Nhồi Hạ nay thuộc địa phận các phường An Hưng và Đông Tân, thành phố Thanh Hóa. Nghề chạm khắc đá làng Nhồi có từ thời nhà Lý và vẫn được lưu giữ, phát triển tới bây giờ trở thành một cái tên nổi bật trong các làng nghề Thanh Hóa. Các sản phẩm của nghề khắc đá làng Nhồi xuất hiện tại các công trình: kinh thành Tây Đô, điện miếu Lam Kinh, Kính Thiên (kinh thành Thăng Long), đền thờ An Dương Vương (Cổ Loa)...

Nghề dệt thổ cẩm làng Ngọc

Nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở làng Ngọc đã có từ rất lâu đời. Với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và niềm đam mê những cô gái Mường đã làm cho nghề dệt thổ cẩm trở thành một sản phẩm độc đáo. . Những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm còn thể hiện nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Mường. Nghề truyền thống này đã và đang được bảo tồn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đó thực sự là nét đẹp văn hoá cổ truyền của đồng bào dân tộc Mường xứ Thanh./.

Nghề làm hương làng Đông Khê

Làng Đông Khê thuộc xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất hương trầm. Hương Đông Khê được nhiều người biết đến. Điểm đặc biệt của làng nghề này là Đông Khê chỉ sản xuất hương trầm và chỉ làm hương thắp trong dịp Tết cổ truyền để thờ cúng ông bà tổ tiên. Nguyên liệu của hương là từ tăm hương (tre nứa), nhựa hương (nhựa cây trám) và thành phần phụ gia (than của các loại gỗ nhẹ như than cây xoan, cây muồng dại, than của tàu lá chuối khô; rễ của cây hương bài, hoa hòe, quế chi, trầm hương), mỗi nguyên liệu đều được người làng Đông Khê lựa chọn tỉ mỉ, cẩn thận. Qua bàn tay khéo léo khi được kết hợp với những phương pháp gia truyền những nén hương được ra đời. Các sản phẩm của làng hương Đông Khê đều có độ bền, mùi thơm đặc trưng rất thanh khiết dễ chịu.

Làng đúc đồng truyền thống Chè Đông

Làng Chè Đông (hay còn gọi là làng Trà Đông), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa nghề đúc đồng truyền thống ở đây ra đời từ thế kỷ XVII, những nghệ nhân làng Chè Đông đã làm ra nhiều báu vật vô giá như trống đồng, thạp đồng, ly, đỉnh, hạc, rùa và các đồ thờ bằng đồng khác… Những sản phẩm đồ đồng tại đây không chỉ được đúc tinh tế, tỉ mỉ bởi bàn tay của những người nghệ nhân tài hoa, giàu kinh nghiệm mà còn đặc biệt ở chỗ tất cả đều làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống.

Gốm làng Vồm

Làng Vồm (xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa) gọi là gốm làng Vồm nhưng thực chất những sản phẩm gốm được sản xuất ở làng Chành kế bên nhưng tiêu thụ tại chợ Vồm. Gốm Vồm nổi tiếng là sản phẩm gốm nhẹ lửa, bằng chất liệu đất sét trắng mềm, dẻo, ít pha tạp, các sản phẩm cũng rất đa. Để có những sản phẩm bền đẹp, ngoài ưu thế về chất đất, nghệ nhân và những người thợ giỏi nơi đây còn phải công phu từ khâu khai thác nguyên liệu, chuẩn bị dụng cụ đến kỹ thuật trong các cung đoạn luyện đất, chuốt trên bàn xoay và nung gốm... Nứa được khai thác từ các huyện miền núi xứ Thanh là chất liệu đốt duy nhất được các nghệ nhân nơi đây lựa chọn. Dày dặn trong kinh nghiệm, tinh xảo trong kỹ thuật, vốn sống trải nghiệm và đặc biệt là bí quyết “cha truyền con nối” đã tạo thương hiệu cho sản phẩm gốm làng Vồm.

Nghề làm Nem, giò, chả Đông Hương

Ở Đông Hương (TP.Thanh Hóa) nghề làm nem, giò chả, đặc biệt là nem chua là nghề truyền thống lâu đời, niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Nem, giò, chả của Thanh Hóa đặc biệt bởi những công thức bí truyền của người dân nơi đây kết hợp cùng với những nguyên liệu được chọn lựa kĩ càng và một bàn tay khéo léo. Ở đây ngoài Nem chua còn nổi tiếng bởi món chả rán thơm bùi, béo ngậy là những sản phẩm được ưa chuộng mua về như một thức quà không thể thiếu mỗi khi du khách có dịp ghé thăm Thanh Hóa

Nghề làm nước mắm Do Xuyên

Làng Do Xuyên thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề làm nước mắm truyền thống ở Thanh Hóa. Thanh Hóa được thiên nhiên ưu ái nên có bờ biển dài giàu cá tôm, điều này khiến cho nghề làm nước mắm rất phát triển. Mắm Do Xuyên được chế biến từ cá cơm tươi ngon đánh bắt vào tháng ba âm lịch và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon, để lâu dễ bị hỏng. Đây cũng là một trong những bí quyết riêng của làng. Muối phải lấy từ vùng biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hạt muối trắng tinh, to, già, được nắng, không bị nước mưa. Những chum vại để đựng mắm phải làm từ gỗ bằng lăng hoặc gỗ mít thì mắm mới thơm ngon đúng điệu.

Nếu hữu ích xin bạn click quan tâm để ủng hộ
  • Ảnh Thành Nhà Hồ Thanh Hóa Thành Nhà Hồ Thanh Hóa

  • Ảnh Khu Di Tích Lam Kinh Thanh Hóa Khu Di Tích Lam Kinh Thanh Hóa

  • Ảnh Nhà Bia Vinh Lăng - Lam Kinh, Thanh Hóa Nhà Bia Vinh Lăng - Lam Kinh, Thanh Hóa

  • Ảnh Thái Miếu Lam Kinh, Thanh Hóa Thái Miếu Lam Kinh, Thanh Hóa

  • Ảnh Thái Miếu Hậu Lê Thanh Hóa Thái Miếu Hậu Lê Thanh Hóa

  • Ảnh Đền Bà Triệu Thanh Hóa Đền Bà Triệu Thanh Hóa

  • Ảnh Đền Mai An Tiêm Thanh Hóa Đền Mai An Tiêm Thanh Hóa

  • Ảnh Chùa Vồm Thanh Hóa Chùa Vồm Thanh Hóa

  • Ảnh Chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh Thanh Hóa Chùa Sùng Nghiêm Diên Khánh Thanh Hóa

  • Ảnh Đền Cô Chín Thanh Hóa Đền Cô Chín Thanh Hóa

  • Ảnh Phủ Trịnh Thanh Hóa Phủ Trịnh Thanh Hóa

  • Ảnh Lễ Hội Xuân Phả Thanh Hóa Lễ Hội Xuân Phả Thanh Hóa

  • Ảnh lễ Hội Trò Chiềng Thanh Hóa lễ Hội Trò Chiềng Thanh Hóa

  • Ảnh Lễ Hội Cầu Ngư Hậu Lộc Thanh Hóa Lễ Hội Cầu Ngư Hậu Lộc Thanh Hóa

  • Ảnh Lễ hội Pôôn Pôông Thanh Hóa Lễ hội Pôôn Pôông Thanh Hóa

Top các điểm Du lịch Thanh Hóa - Phần 2 đạt 4.16 / 5 với 16 đánh giá