Top các điểm Du lịch Thanh Hóa - Phần 1

Thanh Hóa ở đâu? Du lịch Thanh Hóa có gì?

  • Thanh Hoá là tỉnh lớn ở Bắc Trung Bộ, nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ,Trung Bộ, các tỉnh Bắc Lào có hệ thống giao thông thuận lợi, đường sắt xuyên Việt và hệ thống sông ngòi thuận tiện cho lưu thông Bắc Nam.

  • Thanh Hóa đứng thứ 5 về diện tích: 11.106 km2. Dân số 3,4 triệu người đứng thứ 3 trên toàn quốc, có 7 dân tộc anh em sinh sống, đó là: Kinh, Mường, Thái, H'mông, Dao, Thổ, Hoa, cũng là một trong những địa điểm sinh sống đầu tiên của người Việt cổ. Thanh Hóa là một vùng “Địa linh nhân kiệt” đã sinh ra nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi,Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, ...

  • Thanh Hóa có tài nguyên du lịch phong phú: Các bãi biển nổi tiếng: Hải Tiến, Sầm Sơn, Hải Hòa, khu bảo tồn thiên nhiên pù Luông, rất nhiều di tích đã được xếp hang quốc gia khu di tích Bà Triệu, Lê Hoàn, thành Nhà Hồ, Lam Kinh… hàng năm đã thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế

  • Các Bãi Biển ở Thanh Hóa

    Biển Sầm Sơn Thanh Hóa

    Biển Sầm Sơn: thuộc thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội 164 km. Bãi biển dài khoảng 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ. Bờ biển ở đây bằng phẳng với các bãi cát rộng, nước biển có nồng độ muối vừa phải. Bãi tắm Sầm Sơn được người Pháp đưa vào khai thác từ năm 1906 vì nhận thấy ở đây hội tụ nhiều ưu điểm thích hợp cho nghỉ dưỡng, từ đó Sầm Sơn đã nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng cho cả Đông Dương. ở tại Sầm Sơn đã có những khu nghỉ dưỡng tuyệt vời như FLC, Vạn Chài,...

    Biển Hải Tiến Thanh Hóa

    Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến nằm trên bờ biển thuộc địa phận 4 xã: Hoăng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Cách Thủ đô Hà Nội 155 km, Hải Tiến có bờ biển dài 12 km bãi biển hoang sơ, cảnh quan tự nhiên hấp dẫn, nơi đây không chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng những rặng dừa xanh, rừng phi lao bát ngát. Ở đây được đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng du lịch đẹp sang trọng đã biến vùng đất cát hoang sơ trở nên đẹp nên thơ và lãng mạn.

    Biển Hải Hòa Thanh Hóa

    Biển Hải Hòa thuộc xã Hải Hòa Huyện Tỉnh Gia, Thanh Hóa. Bãi biển Hải Hòa chủ yếu nằm trên địa phận 2 khu phố Đông Hải và Giang Sơn, trải dài từ núi Sổi đến núi Nồi khoảng 3 km. Bãi biển Hải Hòa cách Thủ đô Hà Nội đúng 200 km. Bãi biển Hải Hòa còn hoang sơ; có bãi tắm đẹp, rộng và bằng phẳng; cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng vỗ hiền hòa. Bờ cát trắng chạy dài 20 km , bãi tắm ở Hải Hòa đẹp hơn ở Sầm Sơn. Khi đến đây du khách còn có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây và khám phá chợ hải sản Hải Hòa ngay tại bãi biển vào buổi sáng sớm. Chợ bắt đầu từ 5h sáng Du khách có thể mua về làm quà với rất nhiều loại hải sản người bán là những dân chài chất phác, hiền lành, mến khách,...

    Bãi Đông Thanh Hóa

    Bãi Đông thuộc khu sinh thái Nghi Sơn Eco Island xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Cách thủ đô Hà Nội chừng 150km. Đây là bãi biển mới đưa vào khai thác nên khu du lịch này mang vẻ đẹp vẻ đẹp tự nhiên của bãi cát trắng trải dài, đoạn đường đá hoang sơ, nước biển xanh trong, vắng vẻ. Là nơi để bạn có thể đón bình minh hay hoàng hôn buông vàng trên bãi biển vào mỗi sớm mai thức dậy hay mỗi chiều tà. Đó chắc chắn sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời khiến tâm bạn tĩnh lặng và thư thái nhất

    Hòn Mê Thanh Hóa

    Hòn Mê: là một hòn đảo thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, cách đất liền khoảng 11km. Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng hơn 250km. Quần đảo Hòn Mê gồm nhiều đảo nhỏ như: Hòn Bung, Hòn Cháy, Hòn Ruộc, hai đảo Hòn Diêm, Hòn Miệng, Hòn Buồm, ba đảo Hòn Sổ, Hòn Sập. Đảo Hòn Mê có diện tích 420ha. Hòn Mê là 1 trong 16 khu bảo tồn thiên nhiên Việt nam. Đảo Hòn Mê vẫn là đảo quân sự, chỉ mới có chủ trương phát triển du lịch, nên muốn lên đảo cần xin phép trạm quản lý biên phòng của biển Lạch Bạng và đi tầu từ cảng cá Hải Bình, mất khoảng 3 tiếng đồng hồ mới tới được bãi trước của đảo hòn Mê. Do đảo vẫn còn là khu vực quân sự chưa có cư dân sinh sống trên đảo, du khách đến đây thăm quan phải đi về trong ngày. Đảo Hòn Mê giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ, hoang dại của đất trời. Làn nước trong xanh cùng với không khí trong lành mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, dễ chịu.

    Các Khu bảo tồn – Vườn Quốc Gia ở Thanh Hóa

    Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông Thanh Hóa

    Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận các huyện Bá Thước và Quan Hóa, nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam, cách thành phố Thanh Hóa 130 km về phía tây bắc, cách Hà Nội Khoảng 178 km theo hướng Tây Bắc. Với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái.

    Khu bảo tồn Xuân Liên Thanh Hóa

    Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thuộc huyện Thường Xuân, cách Thành phố Thanh Hoá 65 km về hướng Tây Nam. Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập tháng 12 năm 1999 với tổng diện tích khu vực là 27.668 ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên là khu rừng có nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Tại khu bảo tồn này hiện có 2 cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao danh hiệu cây di sản, đó là cây sa mu và cây pơ mu được xác định hơn 1.000 tuổi. Ngoài ra, tại khu vực này còn có hàng chục cây pơ mu, sa mu có đường kính rất lớn, tương tự 2 "cụ" cây đã được công nhận là cây di sản
    - Cây sa mu có đường kính 3,9 m, cao 43 m, hơn 1.000 năm tuổi và người dân địa phương thường gọi là "thần mộc". Cây sống ở độ cao hơn 1.000 m giữa rừng già giáp với biên giới Việt Lào
    - Cây pơ mu có đường kính 2,7 m, cao 35 m, hơn 1.000 năm tuổi và được công nhận là cây di sản Việt Nam.

    Khu bảo tồn Tam Quy Thanh Hóa

    Khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy thuộc các xã Hà Lĩnh, Hà Tân, Hà Đông, huyện Hà Trung, cách thành phố Thanh Hóa 25 km về phía bắc. Với diện tích lên tới 518,5 ha, khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy bao gồm rừng sến lim, rừng lim thuần loại, rừng thông nhựa, rừng trồng cơ sở… Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng một quần thể rừng nguyên sinh, nơi loài sến thuần loài còn duy nhất ở Việt Nam.

    Vườn Quốc Gia Bến Én Thanh Hóa

    Vườn quốc gia Bến En Thuộc huyện Như Thanh và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 36 km về phía tây nam. VQG Bến Én là một trong những danh thắng nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hệ sinh thái động thực vật phong phú và đa dạng, đại diện cho hệ sinh thái đai thấp ở khu vực Bắc trung bộ Việt Nam. Được thành lập năm 1992 . có tổng diện tích là 14.735 ha, trong đó có hơn một nửa diện tích là rừng nguyên sinh và tái sinh, Bến Én còn có một hệ sinh thái vô cùng đa dạng và phong phú . Vườn quốc gia Bến En là một trong vườn quốc gia đẹp nhất Việt Nam.

    Các điểm du lịch sinh thái Thanh Hóa

    Suối cá thần Cẩm Lương – Cẩm Thủy

    Suối Cá thần Cẩm Lương nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, nơi có những đàn cá tập trung sinh sống với mật độ dày đặc, Mặc dù đàn cá rất đông đúc nhưng nước ở suối luôn trong vắt và không có mùi tanh, có thể dùng cho sinh hoạt hoặc nấu nướng. Đây là một điều khó lý giải mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. Cá trong suối được đồng bào dân tộc Mường, Thái ở địa phương gìn giữ và đã trở thành những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa.

    Suối cá Cẩm Liên

    Suối cá thần Cẩm Liên(còn được gọi là Suối Đóng hay Mó Đóng) tại thôn Ngọc Dùng thuộc xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) thuộc địa phận thôn Rùng, xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá; cách thị trấn Cẩm Thủy 15 km về phía tây. Suối Đóng và Suối Cá thần Cẩm Lương nằm ở hai phía bờ khác nhau của Sông Mã. Nước ở mó Đóng là nguồn nước cơ bản chảy ra ruộng để bà con bản địa cấy hái, nhưng cá chẳng bao giờ bơi ra. Chúng chỉ quẩn quanh trong một diện tích chừng 500 m2 rồi lại quay vào. Loài cá này được người dân Mường gọi là "cá phốôc" Loại cá ở đây cùng loại với cá ở suối cá thần Cẩm Lương.

    Suối cá Văn Nho

    Suối Cá thần tại xã Văn Nho nằm tại bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước, là suối cá thần thứ ba được phát hiện tại Thanh Hoá. Khu vực này nằm trong lưu vực sông Âm, một nhánh của sông Chu. Toàn bộ khu vực hang cá Văn Nho rộng khoảng 1 ha. Cá ở đây giống với loài cá phát hiện tại Cẩm Liên và Cẩm Lương Cá. Sau khi phát hiện ra suối cá, người dân sở tại đã lập bàn thờ bên cạnh khu vực hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10 m để thờ thần cá.

    Hồ Cửa Đạt Thanh Hóa

    hồ Cửa Đạt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) còn được nhiều người biết đến là một vùng thắng tích “hội sơn tụ thủy”, với nhiều phong cảnh thiên nhiên kỳ thú mà yên bình. Không những mang tính chất là đập thủy lợi quan trọng mà nó còn mang y nghĩa là khu du lịch với phong cách ở đây thật đẹp. cảch thiên nhiên thất tuyệt vời. Bên cạch đập là đền chùa Cửa đạt, là nơi linh thiêng mà mỗi năm thu hút rất nhiều người về

    Động Long Quang

    Động Long Quang nằm tại dãy núi Hàm Rồng, thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Động Long Quang còn có tên gọi là động Mắt Rồng do phía trên động có hai cửa hai bên, nhìn như hai mắt của con rồng. Không gian bên ngoài động rất thoáng đãng. Trên trần động hiện còn lưu giữ các bài thơ từ thời Lê, mang giá trị văn hóa cao. Đứng từ cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Thanh Hóa ẩn hiện giữa núi non trùng điệp và dòng sông Mã uốn lượn như đang ôm ấp núi Rồng.

    Động Từ Thức Thanh Hóa

    Động Từ Thức còn gọi là Động Bích Đào, Động nằm trên dãy núi Tam Điệp, thuộc địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là một hệ thống hang động núi đá vôi được gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Với nhiều nhũ đá tạo nên cảnh sắc kỳ thú bên trong động đã tạo nên sự hấp dẫn riêng cho nơi này, và làm phong phú thêm điểm đến cho du lịch Thanh Hóa. Năm 1992, động Từ Thức đã được công nhận là Di tích thắng cảnh cấp quốc gia

    Động Kim Sơn Thanh Hóa

    Nằm ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 250 km, động Kim Sơn được biết đến là một điểm du lịch mới được phát hiện còn rất hoang sơ. Điểm đến này được ví như một “Tràng An thu nhỏ” với núi non, hang động và đầm nước tuyệt đẹp. Động Kim Sơn là một quần thể động có vị trí ở núi Kim Sơn hay gọi là núi Bông, núi Biện. Núi Kim Sơn nằm giữa một cái hồ rộng chừng 10 ha, vì thế khi vào động du khách phải đi thuyền luồn qua hang. phía trong là nhiều động, nhiều khối đá, có hồ rộng, có cả những động lộ thiên. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là công binh xưởng sản xuất vũ khí của quân đội, đồng thời là nơi trú ẩn của nhân dân

    Động Tiên Sơn

    Động Tiên Sơn nằm ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Được ví như “Phong Nha – Kẻ Bàng” thứ 2 của Việt Nam, động Tiên Sơn là một trong những hang động đẹp nhất xứ Thanh. Động Tiên Sơn Thanh Hóa nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái văn hóa Hàm Rồng. Động ăn sâu vào núi đá vôi tạo thành một không gian rộng lớn với chiều dài 600m, chiều rộng 12,5m và chiều cao là 20m. Đặc biệt, tại Giếng Trời, chiều cao của hang động lên tới 50m. Nơi đây được tạo hóa ban cho một hệ thống đá vôi tuyệt đẹp với quần thể liên hoàn với nhiều kiệt tác độc đáo của tạo hóa Càng đi sâu vào động, sự hấp dẫn càng lớn, ta sẽ nhìn thấy những bông hoa đá, bông san hô khổng lồ với nhiều kiểu dáng sống động

    Quần Thể Động Ngọc Hoàng

    Động Ngọc Hoàng thuộc xã Trường Lâm, Tĩnh Gia thuộc dãy núi Mù Cua có chiều dài khoảng gần 500m, rộng rãi, thoáng mát. Nóc động cao vời vợi, chiếu đèn lên thấy nhũ đá như mây trắng lững lờ trôi. Nền động bằng phẳng đầy cát mịn và sỏi, lại có một con suối nhỏ nước rất trong và mát chảy qua )có nhiều nhũ đá đẹp và sinh động tạo cảnh sắc như các đền đài, cung điện, quan văn, quan võ .... ở trên thiên đường. Cùng với động Ngọc Hoàng và Ngọc Long, động Tiên được đánh giá là nơi mang vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh.

    Hang Con Moong

    Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong (bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành). Hang Con Moong theo tiếng địa phương có nghĩa là "hang con thú. Hang dài khoảng 40m thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m. Theo các cụ cao niên kể lại, hang Con Moong được phát hiện từ trước năm 1975. Trong hang chứa đựng nhiều vết tích văn hóa của nhiều thời đại . Toàn bộ hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang còn giữ được nguyên vẹn, với nhiều loài cây gỗ quý, có đường kính lớn. Đặc biệt, tại đây còn khá nhiều động vật hoang dã như: khỉ, gấu, hoẵng, nai... Hang Con Moong vinh dự được Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du lịch công nhận là Di tích khảo cổ Quốc gia đặc biệt.

    Bãi Cò Tiến Nông

    Bãi cò Tiến Nông hay còn gọi là Xã Cò, thuộc địa phận xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa Diện tích khoảng 3 ha. Nơi đây là nơi tập trung của rất nhiều loại cò, vạc, hay vịt trời, le le, cuốc, bìm bịp, bồ câu hoang,.... Chúng sinh sống và làm tổ trên các cây tre. Chúng thường đi kiếm ăn ở các cánh đồng gần đấy. Vào mùa làm tổ có hàng vạn cá thể về đây. Theo như lời kể của những người cao tuổi ở xã Tiến Nông thì vườn cò đã có từ cách đây hơn 100 năm. Đây cũng là nơi duy nhất của tỉnh Thanh Hóa có các cá thể Cò sinh sống.

    Đặc sản ở Thanh Hóa

    Nem chua Thanh Hóa

    Nem chua là đặc sản không thể không nhắc tới ở Thanh Hóa. Vị ngọt của thịt heo quyện hòa với vị chua thanh nhẹ, vị cay của ớt tỏi, thơm bùi và sần sật dai dai của bì làm say đắm lòng người, chẳng dễ gì mà quên được. Nguyên liệu làm nêm chua chỉ gồm bì lợn thái chỉ, thịt mông nạc, thính gạo, gói cùng lá đinh lăng hoặc lá ổi bánh tẻ và các gia vị đặc trưng, để tạo ra một chiếc nem chua ngon đúng điệu cần phải có bí quyết gia truyền riêng. Nem chua có nhiều loại: Nem dài, nem vuông, nem cối, nem thính, nem nướng…

    Chả tôm Thanh Hóa

    Ở TP Thanh Hóa có món chả tôm nổi tiếng ngon miệng. Cách làm chả tôm Thanh Hóa không quá phức tạp. Nhưng nguyên liệu tôm nhất thiết phải là những con chắc thịt, tươi ngon để giữ đúng hương vị tươi ngon của món ăn. Miếng chả tôm thơm lừng, nóng giòn. Vị tôm bùi bùi, lạ miệng hòa quyện cùng nước chấm chua cay, ăn thêm chút rau sống nữa thì quá tuyệt. Đảm bảo thưởng thức món ăn này một lần, bạn sẽ nhớ mãi.

    Vịt Cổ Lũng

    Vịt Cổ Lũng là món ngon của Bá Thước Thanh Hóa. Vịt ở đây xương nhỏ, thịt chắc, dai thịt. Rất nhiều món vịt ngon như vịt nướng, vịt xào lăn, vịt ôm măng… được chế biến đậm đà rất khó quên.

    Mắm cáy và mắm tép

    Thanh Hóa là tỉnh biển nên không có gì lạ khi ở đây nổi tiếng với rất nhiều loại mắm, trong đó có mắm cáy và mắm tép. Mắm cáy được làm từ con vật cùng tên, tương tự con cua nhưng nhỏ hơn. Cáy bắt về sẽ được sơ chế sạch sẽ, tách yếm ra rồi đem đi giã nhuyễn. Cho muối vào trộn đều rồi bỏ vào chum đậy kín lại. Để bình trong mát độ khoảng 10 ngày rồi đem ra phơi nắng khoảng 1 tuần. Cuối cùng là cho thính gạo hòa với men gạo vào chum để khử bớt mùi cáy và tạo ra vị ngon đặc trưng Một loại mắm khác ở Thanh Hóa cũng rất nổi tiếng đó là mắm tép. Người xứ Thanh ngày xưa hay làm mắm tép để tiến vua. Ngày nay thì mắm tép phổ biến hơn rất nhiều rồi. Tép sau khi đánh bắt về được sơ chế sạch sẽ. Trộn tép với thính gạo và muối sau đó bỏ vào chum. Sau một tháng, tép và thính gạo đã ngấu, hòa quyện vào nhau tạo thành màu gạch rất bắt mắt.

    Bưởi tiến vua: trái cây quý hiếm chỉ trồng được ở quê Thanh

    Loại bưởi này chỉ trồng được ở vùng đất đỏ xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân. Bưởi tiến vua hay còn gọi là bưởi Luận Văn lúc nhỏ cũng có màu xanh như bưởi bình thường nhưng khi già thì chuyển sang màu vàng rồi đỏ hẳn như gấc. Tất cả bộ phận từ vỏ đến cùi, đến cả tép đều có màu đỏ tươi rất đẹp mắt. Đây chính là lý do vì sao đây được chọn là loại trái cây tiến vua. Người ta cho rằng màu sắc này sẽ mang lại may mắn, thịnh vượng cho người ăn nó. Bưởi tiến vua ăn ngọt thanh, tép bưởi đều mọng nước nom đã muốn ăn. Bưởi tiến vua ngon nhất khi ăn cùng muối tôm.

    Bánh gai Tứ Trụ Thanh Hóa

    Làng Mía, xã Thọ Diên, Thọ Xuân, Thanh Hóa đã tạo ra một thức quà quê mang hương vị đặc trưng hấp dẫn: bánh gai Tứ Trụ. Các nguyên liệu làm bánh được lựa chọn cẩn thận, kỹ càng : Hạt nếp cái hoa vàng được xay mịn để làm bột bánh. Đậu xanh bỏ vỏ, đồ kỹ cho tơi ra mới đem đi xay nhuyễn. Một chiếc bánh có ngon hay không phụ thuộc khá nhiều vào lá gai. Ở làng Mía, người ta sẽ lựa chọn những chiếc lá không quá già, cũng không quá ngon để giã lấy nước trộn vào bột bánh. Phần còn lại để sử dụng gói bánh. Thành phẩm bánh sau khi hấp :Bánh gai dẻo dẻo, vị lá gai thoang thoảng tạo nên hương vị rất riêng của món ăn.

    Chè Lam Phủ Quảng

    Một đặc sản Thanh Hoá nữa đến từ vùng đất Phủ Quảng là chè lam Thanh Hoá. Phủ Quảng là tên gọi cũ của huyện Vĩnh Lộc, là vùng đất có món chè lam nức tiếng xa gần. Khác với chè lam nơi khác, chè lam Phủ Quảng có vị ngọt thanh, giòn tan nơi đầu lưỡi. Thanh chè lam màu vàng ươm đẹp mắt. Nếu vừa ăn chè lam vừa nhâm nhi chén trà xanh thì quả đúng là mỹ vị. Miếng chè lam giòn giòn xen lẫn vị ngọt dịu của mật mía và hương gừng cay, thêm chút chát của trà xanh, thật là một món quà quê giản dị mà ý nghĩa.

Nếu hữu ích xin bạn click quan tâm để ủng hộ
  • Bản đồ du lịch thanh Hóa%> Bản đồ du lịch thanh Hóa
  • Biển Sầm Sơn Thanh Hóa%> Biển Sầm Sơn Thanh Hóa
  • Biển Hải Tiến Thanh Hóa%> Biển Hải Tiến Thanh Hóa
  • Bãi Đông Thanh Hóa%> Bãi Đông Thanh Hóa
  • Hòn Mê Thanh Hóa%> Hòn Mê Thanh Hóa
  • Vườn Quốc Gia Bến Én Thanh Hóa%> Vườn Quốc Gia Bến Én Thanh Hóa
  • Pù Luông Thanh Hóa%> Pù Luông Thanh Hóa
  • Cây Pơ Mu - Cây Di sản, KBT Xuân Liên%> Cây Pơ Mu - Cây Di sản, KBT Xuân Liên
  • Động Long Quang/ Hang mắt Rồng Thanh Hóa%> Động Long Quang/ Hang mắt Rồng Thanh Hóa
  • Động Tiên Sơn Thanh Hóa%> Động Tiên Sơn Thanh Hóa
  • Hòn Trống Mái - Sầm Sơn, Thanh Hóa%> Hòn Trống Mái - Sầm Sơn, Thanh Hóa

Bây giờ đi đâu, Đi đâu bây giờ ?