Làng Sen ở đâu? Làng Sen Kim Liên Có gì?
- Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương, nay thuộc địa bàn xã Kim Liên và xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi đến nay còn lưu giữ được không gian văn hóa, lịch sử và nhiều tài liệu, hiện vật gắn liền với tuổi thơ của Người, bao gồm 2 cụm di tích chính, với 14 di tích thành phần
- Làng Kim Liên tên nôm Làng Sen là quê nội Hồ Chí Minh, Làng Sen ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An thuộc vùng duyên hải miền Trung Việt Nam. Cách Thành phố Vinh 16 km.
- Cách làng Sen 2 km là làng Hoàng Trù (tên Nôm là làng Chùa (Hoàng Trù) đây là quê ngoại Hồ Chí Minh và cũng là nơi Bác cất tiếng khóc chào đời. tên lúc nhỏ của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Cung giọng địa phương phát âm là Côông) và sống ở đây cho đến năm 1895
- Di tích lịch sử văn hóa Kim Liên (gọi tắt là Khu di tích Kim Liên) được Nhà nước cho xây dựng từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia và là một trong bốn khu di tích quan trọng bậc nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt
Cụm di tích làng Sen Kim Liên – Quê Nội Bác
Làng Kim Liên (tên Nôm là làng Sen), quê nội của chủ tịch Hồ Chí Minh, Làng nằm ở gần núi Chung, cách núi Đại Huệ khoảng 3 km Ở đầu làng có một hồ sen lớn, đi qua hồ sen là giếng Cốc. Nơi đây, thuở còn thơ ấu, Bác thường ra lấy nước, câu cá và vui chơi cùng bè bạn trong làng Tháng 5 về, hương sen ngan ngát. Làn hương dịu nhẹ, mơ màng như xua tan oi nồng, ngột ngạt của một miền quê gió Lào bỏng rát. Tháng 5 cũng là mùa lúa chín, mùa gặt, hương sen quyện hương lúa nồng nàn.
Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc Làng Sen Kim Liên
Là ngôi nhà lá 5 gian được dân làng Sen quê nội Hồ Chí Minh dựng lên từ quỹ công của dân làng để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc, cha của Hồ Chí Minh, khi ông đỗ phó bảng khoa thi Hội năm 1901 đem lại vinh dự cho cả làng. Lối vào nhà Bác là 2 hàng râm bụt. Trước nhà có 2 sân nhỏ và 1 thửa vườn được vây quanh bằng hàng rào râm bụt. Kế bên nhà là nhà ngang dùng làm bếp. Hai gian phía ngoài là nơi đặt bàn thờ và tiếp khách. Gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh – người chị cả của Bác. Gian thứ tư là nơi nghỉ của Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi để ông dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối ông thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh.Gian thứ năm chỉ kê vỏn vẹn 1 bộ phản cũng là nơi nghỉ ngơi của ông Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ). Các kỷ vật trong ngôi nhà hiện còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn: hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của Phó bảng và hai con trai, chiếc giường là của bà Thanh (tên hiệu Bạch Liên) con gái cụ, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen. Bác đã gắn bó với ngôi nhà này trong những năm tháng ở tuổi thiếu niên từ cuối năm 1901 đến giữa những năm 1906. Ngôi nhà đã chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành của Bác; là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc của Người. Sau 50 năm xa cách quê nhà, bôn ba đi tìm đường cứu nước cho dân tộc, làm cách mạng đưa đất nước thoát khỏi ách thống trị của Thực dân Pháp, Người đã trở về làng Sen 2 lần vào năm 1957 và năm 1961.
Những di tích khác tại Làng sen Kim Liên
- Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm: là nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc và gia đình đã sống trong một thời gian dài, gồm nhà chính, nhà ngang, vườn.
- Nhà thờ họ Nguyễn Sinh: được dựng trên mảnh đất hương hỏa của dòng họ, bằng kết cấu gỗ...
- Nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý: là nhà của gia đình cụ Vương Thúc Quý, thầy giáo khai tâm của Bác, bao gồm nhà chính và nhà ngang.
- Lò rèn cố Điền: trong thời gian sống ở làng Sen, vào những lúc rảnh rỗi, Bác thường ra lò rèn chơi với cố Điền. Đây là một ngôi nhà nhỏ, mái lá, 3 mặt che phên...
- Giếng Cốc: là nơi lấy nước sinh hoạt của gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc. Giếng hình tròn, kè đá, có 18 bậc lên xuống bằng đá ong.
- Núi Chung: là nơi lúc còn thơ ấu Người và các bạn thường lên chăn trâu, thả diều, đánh trận giả, ngắm nhìn phong cảnh non nước, quê hương.
- Đền làng Sen: là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng làm việc với Đảng ủy và Ủy ban Hành chính xã Kim Liên năm 1961. Đền gồm nhà bái đường và hậu cung...
Khu vực trưng bày và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nằm trong khuôn viên Quê Nội, khu trưng bày được xây dựng từ 1970, là bảo tàng đầu tiên trong cả nước trưng bày tiểu sử của Bác. Toàn bộ phòng trưng bày tiểu sử của Bác trước đây được chuyển sang chủ đề hoàn toàn mới mẻ: tình cảm của đồng bào, đồng chí trong nước và bạn bè quốc tế đối với Bác. Trong khuôn viên còn có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp bổ sung thêm cho khu di tích lịch sử Kim Liên hoàn thiện mô hình Di tích - Bảo tàng - Tưởng niệm, góp phần quan trọng trong việc phát huy tình cảm thiêng liêng của nhân dân đối với Bác.
Cụm di tích làng Hoàng Trù Kim Liên – Quê Ngoại Bác
Quê ngoại của Bác nằm tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Cụm di tích Hoàng Trù thường được gọi là làng Chùa, quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Diện tích của cụm di tích này khoảng 3.500m².
- Nhà của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Chùa: là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác lúc còn nhỏ) cất tiếng khóc chào đời. Nhà gồm ba gian, mái lá, xung quanh che phên..
- Nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác): là nơi chứng kiến tình cảm của ông, bà ngoại và gia đình dành cho Bác. Đây là một ngôi nhà tranh, phía trước và phía sau được che bằng phên nứa...
- Nhà thờ chi họ Hoàng Xuân: do ông Hoàng Xuân Đường (thân sinh của bà Hoàng Thị Loan) dựng năm 1882, kết cấu gỗ, mái lợp ngói...
Phần mộ cụ bà Hoàng Thị Loan
Bà Hoàng Thị Loan (1868 – 1901) là người mẹ Việt Nam tiêu biểu có công nuôi dạy nên những người con yêu nước, trong đó có cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mộ bà Hoàng Thị Loan: tọa lạc trên lưng chừng núi Động Tranh, trong dãy Đại Huệ, thuộc địa phận xã Nam Giang. Khu mộ là ngôi mộ của cụ Hoàng Thị Loan được xây dựng từ ngày 19 tháng 5 năm 1984 đến ngày 16 tháng 5 năm 1985 Nhìn tổng quát, ngôi mộ có hình một khung cửi khổng lồ (khi sinh thời, bà chuyên làm nghề dệt vải để nuôi các con). Xung quanh ngôi mộ được ốp bằng những phiến đá hoa cương và đá cẩm thạch. Nóc mộ được phủ lên bằng những hòn đá tự nhiên của núi Đại Huệ, Từ chân núi Động Tranh, lối lên phần mộ Bà nằm ở bên trái phần mộ có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất – 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm cậu Khiêm;đưa hài cốt mẹ về đây – 1942). Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc, con số 33 là tuổi đời của Bà. Phía trên mộ là dàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ Bà được lấy giống từ Huế – nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Phía trước phần mộ trồng nhiều cây quý từ nhiều miền đất nước - Ngoài ra nơi đây còn có mộ cụ Hà Thị Hy (Bà nội của Bác) được ốp đá granite nâu sẫm, sân lát đá đen, 4 cột quyết ở phía trước và sau gắn 4 búp sen sứ, màu đỏ thẫm, sát chân mộ đặt lư hương bằng đá hoa cương màu trắng, phía trên dựng bia đá màu đen.
- Cách Khu mộ bà Hoàng Thị Loan 100m còn có mộ cậu Nguyễn Sinh Xin (em trai út của Bác mất khi còn nhỏ).
Các hoạt động lễ hội đặc sắc tổ chức ở Quê Bác
Hàng năm vào những ngày lễ, đặc biệt là dịp sinh nhật Bác (ngày 19/5), nhân dân từ khắp mọi miền đất nước lại về đây thăm quê hương Bác Hồ - Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) để tưởng nhớ công ơn to lớn của Người, và tham dự Lễ hội làng Sen quê Bác khai mở từ “Liên hoan tiếng hát làng Sen”. Ngoài ra, những năm gần đây Nam Đàn triển khai trình diễn dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh (Di sản văn hóa phi thể của nhân loại) tại Khu di tích Kim Liên vào 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần trong các dịp lễ lớn để phục vụ du khách về thăm Quê Bác ... Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng
Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg).