Các Cột Cờ đặc biệt nhất Việt Nam

Những cột cờ thiêng liêng - nổi tiếng nhất Việt Nam

Dọc theo dải đất hình chữ S Việt Nam từ Cực Bắc ở Lũng Cú, tỉnh Hà Giang, đến Cực Nam ở mũi Rạch Tàu, tỉnh Cà Mau, không chỉ có núi rừng biển cả, mà còn có những cột cờ nổi tiếng bởi sự linh thiêng, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và những giá trị lịch sử mà chúng chứa đựng và thể hiện sự tự hào của dân tộc khi những lá cờ Tổ quốc mạnh mẽ bay trong gió

Cột Cờ Lũng Cú Hà Giang - Cực Bắc Tổ Quốc

Cột cờ Lũng Cú là cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn), thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam. Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm 1887. Những năm sau đó cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Ngày 08-03-2010 cột cờ quốc gia Lũng Cú đã được khởi công nâng cấp lại và đến ngày 02-09-2010 đã hoàn thành. Vào thời điểm khánh thành cột cờ, lá cờ trên đỉnh cột được lắp trong cán cờ làm bằng nguyên một thân cây gỗ pơ mu cao gần 13m (nay cán cờ đã được thay bằng inox) Theo thiết kế cột cờ mới được xây dựng với chiều cao 33,15m trong đó phần chân cột cao 20,25m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Chân, bệ cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Bên trong thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ Việt Nam với cán cờ cao 12,9m và lá cờ có diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. Đường lên đỉnh núi có cột cờ cũng được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ và đồng thời xây một lối đi xuống mới cũng có số lượng bậc là 839.

Cột Cờ Lũng pô Y Tý Lào Cai

“Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” đặt tại khu vực Trạm biên phòng Lũng Pô ở xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai), , cột cờ Lũng Pô đã khởi công xây dựng tại vị trí cột mốc biên giới 92, xã A Mú Sung vào ngày 26/3/2016 và hoàn thành ngày 16/12/2017, do Tỉnh đoàn Lào Cai làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên diện tích 2.100m2, với chiều cao 31,43m - tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143m. ung bay trên đỉnh cột cờ Lũng Pô - lá cờ có diện tích 25m2 có ý nghĩa tượng trưng cho 25 dân tộc anh em ở Lào Cai. Công trình cột cờ Lũng Pô không chỉ có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, mà còn là sự tôn vinh những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập chủ quyền biên giới Tổ quốc. Lũng Pô là tên một dòng suối của huyện Bát Xát, chia đường phân thủy hai nước Việt - Trung. * Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Cột cờ trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội

Cột được xây dựng giữa Quảng trường Ba Đình còn được gọi là Quảng trường Độc lập vì tại đây vào ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Quảng trường có chiều dài 320m, rộng hơn 100m, chia thành 240 ô vuông trồng cỏ, ở giữa là cột cờ cao 29m. Kể từ ngày 19-5-2001, lễ thượng cờ theo nghi lễ quốc gia được tổ chức hằng sáng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Khoảng 5 giờ 50 phút, khi các chiến sĩ tiêu binh chuẩn thực hiện nghi lễ là lúc cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được mở ra. Bên trong nổi bật dòng chữ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đội hình tiêu binh gồm 37 chiến sĩ. Dẫn đầu là Quân kỳ quyết thắng, sau đó là 34 đồng chí tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Vẻ trang nghiêm, khí phách hiện hữu trên khuôn mặt của mỗi chiến sĩ. Với họ, đây là nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đoàn đi một vòng ra phía trước theo tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” để đến chân cột cờ. Ngay sau đó, 3 chiến sĩ đội hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức thượng cờ. Sau khi có hiệu lệnh, lá cờ được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca. Lá cờ được kéo lên trên đỉnh của cột cờ cao 29m phía trước Lăng, khi kết thúc lời và nhạc của bài Quốc ca thì Quốc kỳ cũng lên đến đỉnh cột cờ. Sau lễ thượng cờ, đội tiêu binh đi một vòng trước cửa lăng và kết thúc nghi lễ. 21 giờ hàng ngày, lễ hạ cờ với nghi thức tương tự sẽ được diễn ra

Cột Cờ Hà Nội

Kỳ đài “Cột cờ Hà Nội” nằm trên đường Điện Biên Phủ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội, được xây dựng năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê. Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Toàn bộ Cột Cờ cao 33,4m, nếu kể cả cán cờ thì là 41,4m. Đúng 15 giờ, ngày 10/10/1954, còi nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc cử Quốc thiều, Lá cờ tổ quốc được kéo lên từ từ theo nhịp khúc quân hành. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng – cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội”. Hơn nửa thế kỷ qua, gắn trên đỉnh “Cột cờ Hà Nội” là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay lồng lộng trên nền trời của Thủ đô Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến. Cột cờ Hà Nội, hay Kỳ đài, là một trong những công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất thuộc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2010.

Cột Cờ Nam Định

Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu, thành phố Nam Định, là di tích quốc gia ở TP Nam Định, công trình được hoàn thành năm 1843 dưới thời Nguyễn, nằm ở trung tâm thành cổ Nam Định. Cột cờ Nam Định còn gọi là kỳ đài. Đây là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn. Từng bị đạn bom phá hủy, Cột cờ Nam Định được phục dựng theo đúng nguyên trạng vào năm 1997 Cột cờ được xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm, chiều cao tổng thể 23,84m, gồm 3 phần chính: Chân đế, thân đài và vọng lâu. Trong thân Cột cờ có cầu thang gồm 54 bậc xoáy ốc đi lên vọng lâu. Đứng trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy toàn cảnh trung tâm thành phố Nam Định. Gần hai thế kỷ qua, cột cờ Nam Định đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, sự đổi thay của đất nước, quê hương. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước. Năm 1962, Cột cờ Nam Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Cột Cờ Hiền Lương Quảng Trị

Cột cờ Hiền Lương thuộc di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải tại tỉnh Quảng Trị. Ngoài cột cờ, nơi đây còn có cầu Hiền Lương, nhà Liên hợp, các bến đò, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”... Cụm di tích này nằm ở khu vực giao nhau giữa sông Bến Hải và quốc lộ 1A (km 735), trong đó phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương (huyện Vĩnh Linh), phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa (huyện Gio Linh). Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), vĩ tuyến 17 chính là nơi đánh dấu sự chia cắt đất nước thành 2 bên: Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa. Tại đây, liên tục từ năm 1954 đến 1967, đã diễn ra cuộc “chạy đua” độc đáo còn gọi là cuộc “chọi cờ” lịch sử nhằm giành ưu thế về chiều cao của cột cờ và chiều rộng của lá cờ. Theo thống kê, tính từ 19-5-1956 đến 8-10-1967, ta đã treo hết 267 lá cờ các cỡ, trong đó riêng năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo của Mỹ-ngụy phá hỏng. Đến năm 2005, nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ Hiền Lương nguyên mẫu (xây dựng từ năm 1963) với lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 75m2 có chiều cao 38 m, trong đó phần đài cao 11,5 m tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (bờ Bắc sông Bến Hải. Với những giá trị đặc biệt, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Cột Cờ trên Đảo Cồn Cỏ - Điểm A11 trên đường Cơ Sở

Đảo Cồn Cỏ Quảng Trị, nằm ở cửa ngõ phía Nam của vịnh Bắc Bộ, đảo Cồn Cỏ cũng là điểm A 11 trên đường cơ sở lãnh hải Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược trọng yếu trong mối quan hệ kinh tế - lãnh thổ và quốc phòng - an ninh của đất nước. Cột cờ tổ quốc trên Đảo Cồn Cỏ cao 38,8m với lá Quốc kỳ rộng 24m¬2. Đây là một trong những cột cờ được xếp vào loại lớn trên các đảo ven biển Việt Nam. Cột cờ tổ quốc trên huyện đảo Cồn Cỏ là biểu tượng của độc lập, hòa bình; là sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.

Cột Cờ - Kỳ Đài Huế

Kỳ đài nằm chính giữa mặt nam Kinh thành Huế, được xây đầu thời vua Gia Long. cùng thời gian xây dựng kinh thành. Kỳ đài được kiến trúc gồm hai phần: đài cờ và cột cờ. Đài cờ được xây dựng bằng gạch gồm ba tầng, như ba tháp cụt xếp chồng lên nhau, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ dần từ dưới lên trên với tổng chiều cao là 17,5m. Cột cờ được dựng ở vị trí chính của mặt bằng tầng cao nhất. Lúc đầu cột cờ làm bằng gỗ. Năm 1846, vua Thiệu Trị cho thay cột cờ mới (Tân kiến trụ). Năm 1904 một trận bão lớn xảy ra ở Huế gọi là trận bão năm Thìn (Giáp Thìn) cột cờ lại bị gãy, đến thời vua Thành Thái, cột cờ lại được dựng bằng chất liệu gang. Đầu năm 1947, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp một lần nữa cột cờ Huế bị đổ. Đến năm 1948 Hội đồng chấp chánh lâm thời Trung Kỳ cho xây dựng cột cờ bằng cốt thép cao 37m như hiện nay, tổng chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh Kỳ đài là 54,5m.

Cột cờ trên đảo Lý Sơn – Điểm A10 trên đường Cơ sở

Cột cờ Lý Sơn tọa lạc trên đỉnh Thới Lới xã An Hải huyện Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Lá cờ tổ quốc vươn mình về phía biển được xây dựng và hoàn thành từ năm 2013. Năm 2019, UBND huyện Lý Sơn đã xây dựng lại cột cờ như hiện nay. Cột cờ hiện cao 27,4 m và có sân vườn cột cờ, sân hành lễ, sân công viên, cây xanh….Cột cờ chủ quyền trên đảo Lý Sơn điểm A10 trên đường cơ sở lãnh hải Việt Nam là biểu tượng thiêng liêng về tình yêu biển đảo quê hương của người Việt Nam.
.

Cột Cờ cực Đông - Mũi Đại Lãnh Phú Yên

Mũi Điện, tỉnh Phú Yên còn gọi là mũi Đại Lãnh) - điểm cực Đông, cũng là điểm A8 nằm trên đường cơ sở phân định lãnh hải của Việt Nam. Mũi Điện là nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây còn có hai di tích cấp quốc gia khác là danh thắng Núi Đá Bia và Vịnh Vũng Rô với nhiều bãi biển đẹp, đủ điều kiện phát triển các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, thể thao, leo núi, tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái biển và rừng. Danh thắng này còn gắn với nhiều truyền thuyết lịch sử của địa phương và hiện là một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên.

Cột Cờ Đảo Phú Quý Bình Thuận

Cột cờ Phú Quý được xây dựng trên Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, có tên đầy đủ là Cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý , là 1 trong 7 cột cờ thuộc Dự án xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước Cột cờ Phú Quý được khởi công xây dựng từ ngày 17/6/2015 trên diện tích gần 200 m2 tại mỏm Đông đồi Chuối. Cột cờ có chiều cao 22,6m được xây dựng bằng bêtông cốt thép, mặt hướng ra biển. . Lá Quốc kỳ kích thước 4 x 6m được may với chất liệu vải bền vững với đặc thù gió biển. Công trình có ý nghĩa thiêng liêng với Tổ quốc, dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục tình yêu biển đảo, quê hương, đất nước.

Thiêng liêng lá cờ Tổ quốc nơi quần đảo Trường Sa

Trường Sa Khánh Hòa mãi là mảnh đất, vùng biển thiêng liêng trong lòng mỗi người dân đất Việt. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc, huyện đảo Trường Sa trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của quân và dân sinh sống, làm việc giữa khơi xa. Vào sáng thứ Hai hằng tuần, dịp đầu năm mới và các ngày lễ lớn của đất nước trước cột mốc chủ quyền và lá cờ Tổ quốc, lễ chào cờ của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm và giàu xúc cảm. Lá quốc kỳ thiêng liêng tung bay phấp phới là một hình ảnh đẹp ở Trường Sa, gây xúc động và khiến cho bất cứ ai đặt chân đến nơi này đều thấy thêm yêu Tổ quốc mình...

Cột Cờ Thủ Ngữ Thành phố Hồ Chí Minh

Cột cờ Thủ Ngữ nằm tại đường Tôn Đức Thắng, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM. Cột cờ được người Pháp xây dựng vào tháng 10 năm 1865 với tên gọi lúc đầu là Mât des signaux, có nghĩa là Cột tín hiệu cho tàu bè ra vào luồng lạch khu vực Sài Gòn - Gia Định. Đứng bên dòng chảy của lịch sử, Cột cờ là nhân chứng cho các sự kiện lịch sử của Sài Gòn – TP.HCM. Một trong những sự kiện nổi bật nhất diễn ra là vào ngày 05/06/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng. Tháng 5/2016 cột cờ Thủ Ngữ được UBND TP HCM xếp hạng di tích lịch sử.

Cột Cờ Cực Nam Mũi Cà Mau

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được khởi công xây dựng vào ngày 16/01/2016 và khánh thành vào ngày 10/12/2019. Công trình đặt trong khuôn viên K hu du lịch Mũi Cà Mau có tổng diện tích hơn 16.000 m2, cao 45m (tính từ chân đế cột cờ đến đỉnh tháp) với kết cấu gồm 3 tầng. Công trình có giá trị nghệ thuật cao, có kiến trúc đẹp mang đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử, khẳng định chủ quyền nơi vùng đất cực Nam của Tổ quốc và mang ý nghĩa về các giá trị về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa vùng Đất Mũi Cà Mau; đồng thời, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về nâng cao ý thức được trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ mũi đất Cà Mau thiêng liêng của Tổ quốc.

Nếu hữu ích xin bạn click quan tâm để ủng hộ
  • Ảnh Bản Đồ Việt Nam Bản Đồ Việt Nam
  • Ảnh Cột Cờ Cực Bắc  Lũng Cú Hà Giang Cột Cờ Cực Bắc Lũng Cú Hà Giang
  • Ảnh Cột Cờ Lũng Pô Cột Cờ Lũng Pô "Nơi Con Sông Hồng Chẩy Vào Đất Việt"
  • Ảnh  Quảng Trường Ba Đình Hà Nội Quảng Trường Ba Đình Hà Nội
  • Ảnh Cột Cờ Hà Nội Cột Cờ Hà Nội
  • Ảnh Cột Cờ Nam Định Cột Cờ Nam Định
  • Ảnh Cột Cờ Hiền Lương Quảng Trị Cột Cờ Hiền Lương Quảng Trị
  • Ảnh Cột Cờ trên đảo Cồn Cỏ - Điểm  A11 đường cơ sở Cột Cờ trên đảo Cồn Cỏ - Điểm A11 đường cơ sở
  • Ảnh Cột Cờ - Kỳ Đài Huế Cột Cờ - Kỳ Đài Huế
  • Ảnh Cột Cờ trên Đảo Lý Sơn - Điểm A10 đường cơ sở Cột Cờ trên Đảo Lý Sơn - Điểm A10 đường cơ sở
  • Ảnh Cột cờ Cực Đông - Mũi Điện,Phú Yên Cột cờ Cực Đông - Mũi Điện,Phú Yên
  • Ảnh Cột Cờ trên Đảo Phú Quý Bình Thuận Cột Cờ trên Đảo Phú Quý Bình Thuận
  • Ảnh Thiêng liêng Cột Cờ trên Đảo Trường Sa lớn Thiêng liêng Cột Cờ trên Đảo Trường Sa lớn
  • Ảnh Cột Cờ Thủ Ngữ Tp. Hồ Chí Minh Cột Cờ Thủ Ngữ Tp. Hồ Chí Minh
  • Ảnh Cột Cờ Cực Nam mũi Cà Mau Cột Cờ Cực Nam mũi Cà Mau

Bây giờ đi đâu, Đi đâu bây giờ ?